Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Nguy cơ mất an toàn cháy, nổ trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021
Thờ cúng tổ tiên là một nét văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam ta. Cùng với không khí náo nức trong dịp đón Tết Nguyên đán năm 2021, tình trạng người dân đốt vàng mã và đốt pháo vào ngày các ngày lễ Ông Táo, Tết diễn ra với tần suất ngày càng nhiều. Những phong tục tập quán này vẫn diễn ra hàng ngày và càng rầm rộ hơn vào mỗi dịp Tết đến xuân về, kéo theo nguy cơ gây mất trật tự công cộng, gây nguy hiểm cho tính mạng con người và mất an toàn về PCCC.
Trước tiên, nói về đốt vàng mã, đây đã là phong tục tập quán rất lâu đời của cha ông ta. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước tiêu thụ tới hơn 40.000 tấn vàng mã, tốn hàng trăm tỷ đồng. Trước tiên là sự lãng phí, chưa kể đến thiệt hại về tài sản và người. Gần đây nhất là vụ hỏa hoạn do đốt vàng mã vào ngày 23 Âm lịch, chúng ta hay gọi là ngày đưa Ông táo về trời, tại phòng trọ ở số 3, ngõ 71, phố Tam Khương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Vụ cháy đã khiến 4 nạn nhân tử vong thương tâm, 3/4 người trong số họ được xác định là sinh viên theo học tại các trường đại học tại Hà Nội. Nguyên nhân vụ cháy bắt nguồn từ chậu đựng tro hóa vàng bén vào chiếc xe máy, lửa bùng phát dữ dội thiêu rụi 3 xe máy và khiến 4 nạn nhân trong nhà tử vong.
Căn phòng trọ nơi xảy ra cháy
Căn phòng trọ nơi xảy ra cháy

Còn về đốt pháo vào các ngày lễ Tết, thì đây cũng đã là một món ăn tinh thần, một phong tục cũng đã từ rất lâu đời. Đến năm 1994, việc đốt pháo nổ là hành vi bị nghiêm cấm tại nước ta (chỉ đốt pháo hoa do nhà nước và các cơ quan, tổ chức được cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức vào các dịp Lễ, tết…).
Mới đây nhất, ngày 27/11/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11/01/2021 (thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP). Nghị định số 137 bao gồm 04 chương, 26 điều, trong đó quy định nhiều điểm mới về khái niệm các loại pháo; nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo; các hành vi bị nghiêm cấm; các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ; quy định về cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng pháo; quy định về tiêu hủy, giám định pháo… Với các điểm mới nêu trên, nếu không nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời sẽ gây ra nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau, kéo theo đó sẽ gia tăng thêm rất nhiều nguy cơ gây mất trật tự công cộng, gây nguy hiểm cho tính mạng con người và mất an toàn về PCCC khi sử dụng pháo hoa, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP định nghĩa chung về pháo, phân loại pháo. Theo đó các loại pháo được hiểu như sau:
- Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm pháo nổ (pháo nổ, pháo hoa nổ) và pháo hoa.
- Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ.
- Pháo hoa nổ là sản phẩm được được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
- Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
- Về quy định về được phép sử dụng và cấm sử dụng:
+ Pháo nổ: Nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trong mọi trường hợp.
+ Pháo hoa nổ: Cơ bản cấm như pháo nổ, trừ trường hợp, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ quốc phòng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng theo quy định tại Nghị định này.
+ Pháo hoa: Cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng theo quy định tại Điều 17 của Nghị định. Tuy nhiên khi sử dụng chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Như vậy, khác biệt căn bản nhất giữa pháo hoa với pháo nổ, pháo hoa nổ là: Pháo hoa không gây ra tiếng nổ và cho phép người dân được sử dụng trong một số trường hợp; pháo nổ, pháo hoa nổ gây tiếng nổ và không cho phép người dân tự sử dụng.

Trong dịp Tết năm nay, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hầu hết các tỉnh, thành phố trong đó có tỉnh Đồng Nai đã dừng các hoạt động tập trung đông người, bắn pháo hoa đêm giao thừa. Do đó, nhiều cá nhân sẽ bất chấp cảnh báo của chính quyền tìm mọi cách mua bán, sử dụng các loại pháo nổ trái phép để đốt trong những ngày Tết. Việc đốt pháo gây ra rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là việc dễ gây cháy nổ, hỏa hoạn hoặc gây bỏng cho chính người đốt pháo cũng như những người xung quanh. Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ việc đốt các loại pháo.
Pháo không nổ, pháo sáng có thể gây sát thương tầm xa và việc bắn lên cũng rất nguy hiểm nếu không có kiểm soát tốt vì nó rơi khi vẫn còn đang cháy. Khi rơi rớt, các xác pháo đang còn cháy này có thể rơi vào các ụ lá, tán cây khô, bãi cỏ khô, mái nhà dễ gây ra hỏa hoạn. Pháo sáng là loại pháo được rất nhiều người sử dụng trong ngày Tết. Khi đốt pháo sáng ở chỗ đông người, nếu đốt pháo sáng với số lượng lớn, trước hết là gây tình trạng khói mù mịt, ảnh hưởng đến những người bên cạnh. Không những thế, tàn pháo sáng có thể bắn vào những người lân cận gây bỏng và gây ra cháy nếu ở đó có nhiều vật liệu dễ cháy như áo phao, áo lông, len sợi…

Thêm một loại pháo thường xuyên được sử dụng vào các dịp lễ, Tết, ít gây sát thương, ít nguy hiểm, nhưng rất dễ gây ra cháy, hỏa hoạn đó là pháo điện. Pháo điện có hình dáng và tiếng nổ như pháo thật, đang được đăng bán công khai trên mạng xã hội, các trang kinh doanh điện tử... pháp luật cho phép sử dụng pháo điện trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Do đó việc mua bán pháo điện không bị cấm theo quy định pháp luật. Tuy vậy, những người trực tiếp đốt pháo cũng phải nhận thức được cách sử dụng các loại pháo này thế nào để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh.

Vụ cháy do sử dụng pháo điện gần đây nhất là vụ cháy quán bar X5 tại Vĩnh Phúc. Bước đầu xác định do trong quá trình quán bar X5 tổ chức sinh nhật đã đốt pháo điện và bén vào bóng bay bơm khí hydro treo trên trần dẫn tới quả bóng phát bổ và cháy. Ít phút sau, lửa bùng phát dữ dội tạo thành đám cháy lớn. Khoảng 100 người dẫm đạp lên nhau tháo chạy. Nhiều khách bị bỏng do những tấm nhựa, xốp cách âm đang cháy rơi trúng người. Cảnh sát PCCC đã phải huy động nhiều xe chuyên dụng cùng máy xúc đến đập tường để dập lửa, giải cứu những người mắc kẹt. Vụ hỏa hoạn khiến 3 người thiệt mạng, gây thiệt hại hơn 350m2 diện tích quán bar và nhiều vật dụng khác.
Hiện trường vụ hoả hoạn ở quán bar X5 (Vĩnh Phúc) do cháy nổ pháo điện
Hiện trường vụ hoả hoạn ở quán bar X5 (Vĩnh Phúc) do cháy nổ pháo điện

Hậu quả khi sử dụng pháo hoa rất là lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Vì thế, để đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự ATXH, bảo đảm an toàn PCCC trong dịp Tết Nguyên đán, mọi người cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Tuyệt đối không được chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ.
- Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ, thả đèn trời;
- Việc sử dụng pháo phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định và bảo đảm an toàn PCCC, bảo vệ môi trường;
- Pháo hoa cũng có hạn sử dụng; do đó trong trường hợp pháo hoa hết hạn sử dụng, không còn khả năng sử dụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân không còn nhu cầu sử dụng thì phải thực hiện tiêu hủy theo quy định.
- Lưu ý chỉ mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh pháo hoa.
Hoàng Cao Thạch

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang