Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Phân biệt phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh với tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Khi sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh thì người phạm tội có thể rơi vào tình trạng say dẫn đến mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Còn trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng bị mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Tuy nhiên, đối với trường hợp phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
ảnh minh họa (sưu tầm)
ảnh minh họa (sưu tầm)

Rất nhiều các trường hợp trên thực tế sau khi sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác đã có những hành vi xâm phạm đến những quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ. Vậy câu hỏi đặt ra là các chủ thể sau khi sử dụng rượu, bia hoặc chất kích khác thì có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Nhiều người cho rằng người sau khi uống rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác mà có hành vi xâm phạm đến những quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của luật hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hình sự vì khi thực hiện hành vi phạm tội người đó trong tình trạng không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Nhưng trên thực tế thì không phải như vậy.
Như chúng ta đã biết, tội phạm phải là hành vi trái pháp luật hình sự “do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, tức là người phạm tội phải là người có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình trong khi thực hiện tội phạm. Hành vi phạm tội trong tình trạng dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào loại tội phạm cụ thể mà người đó thực hiện. Luật hình sự nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới không loại trừ trách nhiệm cho người phạm tội do say rượu hoặc do dùng các chất kích thích khác. Điều 13, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Người ở trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi có thể bị giảm sút hoặc mất hoàn toàn trong một khoảng thời gian nhất định, tức là hành vi của họ không được lý trí kiểm soát và ý chí điều khiển cho nên họ không nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi (bị coi là tội phạm) và tất nhiên họ cũng không thấy trước hậu quả.
Trong trường hợp say do dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác thì người phạm tội tạm thời không nhận thức và điều khiển được hành vi của mình. Tuy nhiên, trước khi dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác họ vẫn là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Khi họ uống rượu, bia hoặc sử dụng chất kích thích mạnh khác là họ tự đặt mình vào tình trạng say và tự tước bỏ năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của mình nên họ vẫn là người có lỗi. Do đó, Bộ luật hình sự buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về việc thực hiện tội phạm trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác. Pháp luật hình sự cũng không coi việc “say rượu, bia hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trái lại, đây còn được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong một số tội phạm. Mặt khác, quy định này còn có ý nghĩa trong việc giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm, ngăn chăn việc lạm dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác để thực hiện tội phạm. Say rượu, bia là một hiện tượng không bình thường trong xã hội, là một thói xấu trong sinh hoạt. Việc bắt người say rượu, bia phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tội phạm do họ gây ra còn là biểu thị thái độ nghiêm khắc của pháp luật đối với tệ nạn say rượu, bia.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu người phạm tội không có lỗi trong việc uống rượu, bia và như vậy, họ cũng không có lỗi trong việc say rượu, bia sẽ được thừa nhận là không có năng lực trách nhiệm hình sự, vì đó là một loại thuộc trường hợp say rượu, bia bệnh lý.
Thực tiễn xét xử cũng đã xảy ra trường hợp Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận người phạm tội do say, rượu, bia bệnh lý, nhưng họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều khoản tương ứng đã viện dẫn ở phần trên (Điều 13 và điều 123 BLHS 2015).
Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: Điều 21 BLHS 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Luật hình sự Việt Nam quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự chỉ là trường hợp đặc biệt, còn nói chung đa số những người không rơi vào tình trạng quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015 thì mặc nhiên được coi là có năng lực trách nhiệm hình sự. Các dấu hiệu để xác định người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, đó là:
Thứ nhất, người gây thiệt hại cho xã hội là người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác gây rối loạn hoạt động tâm thần (dấu hiệu về y học).
Các loại bệnh tâm thần thường gặp như các bệnh thiểu năng tâm thần, tâm thần phân liệt…hoặc một số bệnh khác như loạn thần do tuổi già, rối loạn nhận thức sau tai biến, rối loạn nhận thức sau chấn thương sọ não, bệnh động kinh…
Theo các nhà y học khi mắc bệnh tâm thần thì làm ảnh hưởng đến hoạt động nhận thức của con người và từ đó ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi của họ.
Thứ hai, do mắc bệnh tâm thần đã làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi (dấu hiệu về tâm lý).
Dấu hiệu tâm lý phản ánh khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm của hành vi, nhận thức về những đòi hỏi của xã hội khi thực hiện hành vi nhất định. Người không có năng lực trách nhiệm hình sự là người mất đi năng lực đánh giá hành vi đã thực hiện, họ không hiểu được hành vi đó là đúng hay sai, có phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội hay không, có phù hợp với quy định của pháp luật hay không…Chính vì sự rối loạn nhận thức như vậy, nên họ không thể kiềm chế việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng như cân nhắc, lựa chọn xử sự cho phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
Theo ngành y học và tâm lý thì khi một người mất năng lực nhận thức thì tất yếu làm mất khả năng điều khiển hành vi. Nhưng cũng có những trường hợp mắc các loại bệnh khác như động kinh…có lúc lên cơn bệnh ở trong thời điểm nhất định, nhưng do xung động bệnh lý mà con người này không thể điều khiển hành vi của mình theo mong muốn. Ví dụ một người đang điều khiển ô tô bất ngờ lên cơn động kinh đã làm cho chân tay họ không thể điều khiển ô tô theo ý muốn nên tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra, mặc dù thời điểm đó có thể nhận thức của họ vẫn còn.
Như vậy, một người được coi là trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự phải đồng thời thỏa mãn hai dấu hiệu y học (mắc bệnh) và tâm lý (khả năng nhận thức…), trong đó dấu hiệu tâm lý có vai trò quyết định. Bởi nếu người đang mắc bệnh tâm thần nhưng mức độ nhẹ, chỉ làm hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (họ vẫn là người có điều kiện để có lỗi) thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho xã hội nhưng có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Việc xác định hai dấu hiệu y học và tâm lý phải thông qua giám định tâm thần tư pháp. Kết luận giám định tâm thần tư pháp là căn cứ để kết luận một người gây thiệt hại cho xã hội có thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hay không.
Như vậy, người có những dấu hiệu như trên được xác định là người ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Người không có năng lực trách nhiệm hình sự thì không thể trở thành chủ thể của tội phạm và do vậy, không có cơ sở để xác định lỗi của họ khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nên họ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì họ vẫn là người có năng lực trách nhiệm hình sự và là chủ thể của tội phạm cho nên họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự./.
Doanh Nguyễn

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang