Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Thảm họa Covid-19 tại Ấn Độ và lời cảnh tỉnh Việt Nam khi Lễ 30/4, 1/5 đang tới gần
Ngay bây giờ, khi mỗi chúng ta đang lên kế hoạch đi đâu, chơi gì cho dịp nghỉ lễ 30-4 kéo dài 4 ngày sắp tới thì tại Ấn Độ số ca Covid-19 mới đã tăng lên mức kỷ lục trong ngày thứ 5 liên tiếp. Ngày 26/4, đất nước tỷ dân ghi nhận 352.991 ca Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, cao nhất thế giới kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu lây lan khắp toàn cầu. Số trường hợp tử vong trong ngày cũng lên đến 2.812 người, trung bình cứ mỗi 01 giờ có khoảng hơn 100 người chết và con số cũng chưa dừng lại ở đó, các lò hỏa táng “tạm thời” hoạt động hết công suất. Tại 02 quốc gia láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam là Campuchia và Lào tình hình dịch bệnh cũng diễn biến hết sức phức tạp. Tại Campuchia số ca dương tính đã lên tới 10.000 người, Covid-19 đã lây lan 22/25 tỉnh, thành; tại Lào lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc Covid-19 ở mức 3 con số.
Số ca tử vong ở Ấn Độ liên tục tăng dẫn tới quá tải tại các lò hỏa thiêu. Ảnh: Reuters
Số ca tử vong ở Ấn Độ liên tục tăng dẫn tới quá tải tại các lò hỏa thiêu. Ảnh: Reuters



Có thể nói, Việt Nam cho đến hiện tại vẫn an toàn, nhưng nguy cơ bùng phát dịch trở lại là rất lớn. Ngày 26/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dịch Covid-19 trên thế giới hiện đang rất phức tạp, số người chết và bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có một số nước láng giềng có chung đường biên giới phía Tây Nam. Trong nước đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại rất cao. Việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch là một nhiệm vụ rất khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy trong xã hội đang xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, một số nơi chưa nghiêm túc thực hiện đúng các yêu cầu về phòng chống dịch.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và từng người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra. Thủ trưởng các bộ ngành, cơ quan và người đứng đầu các cấp ở địa phương không để bị động trong các kịch bản bùng phát dịch có thể xảy ra; bảo đảm chặt chẽ, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, dễ thực hiện, dễ giám sát, dễ kiểm tra và rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
Thủ tướng cũng yêu cầu hạn chế các sự kiện tập trung đông người; trường hợp cần thiết phải tổ chức thì cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nghiêm các yêu cầu, điều kiện quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch trên địa bàn; bảo đảm việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch đối với tổ chức, cá nhân, việc thực hiện yêu cầu về đeo khẩu trang nơi đông người, nhất là tại các lễ hội, các hoạt động hiếu, hỉ…
Trước đó không lâu, chúng ta đã đón một cái tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 không mấy vui vẻ khi Hải Dương và Quảng Ninh bùng dịch, dịch bệnh cũng lây lan sang một số địa phương khác. Cận Tết nhưng không khí chống dịch rất khẩn trương, sân bay, bến tàu vắng vẻ, đêm Giao thừa khắp nơi im ắng lạ thường, người ta hạn chế về quê, ngại đi chúc Tết, không đi du lịch, tất cả chọn hy sinh niềm vui cá nhân để hướng về niềm vui chung của đất nước, nhờ thế mà đợt bùng phát dịch đó dù có khó khăn chúng ta vẫn chiến thắng.
Khi đợt dịch cũ đã qua đi thì kỳ nghỉ lễ giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước 30/4, Quốc tế lao động 1/5 cũng cận kề, kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày là thời điểm lý tưởng để rất nhiều gia đình, rất nhiều bạn trẻ, rất nhiều người lao động chọn để "xả hơi" bù cho quãng thời gian khó khăn, bí bách trước đó. Với nhiều người, đây là niềm vui, là sự háo hức cho những kế hoạch, dự định đi chơi xa, nhưng với rất nhiều người đây là một nỗi lo, về mối nguy cơ bùng dịch. Mấy ngày nay, trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng đều nhắc đi nhắc lại về sự chủ quan của một số người dân, họ đều nghĩ rằng dịch đã qua đi, khẩu trang không còn quá quan trọng, họ thản nhiên không đeo khẩu trang đi đến nơi công cộng, không đeo khẩu trang nói chuyện, tiếp xúc với nhiều người.
Tất cả chúng ta đều biết rằng, nếu một người mang mầm bệnh và không đeo khẩu trang, họ có thể lây virus cho nhiều người khác, nhiều người khác đó lại lây được cho rất nhiều người khác nữa theo cấp số nhân. Tuy chỉ là một người thiếu ý thức nhưng sự thiếu ý thức đó lại cực kỳ nguy hiểm, không ai có thể biết được trong số những người không đeo khẩu trang, không thực hiện quy định “5K” ở các công viên, bến tàu, bến xe, sân bay, nhà hàng, khu du lịch kia ai là người "khỏe", ai là người "yếu" và mọi sự chủ quan trong thời điểm này đều sẽ phải trả một cái giá rất rất đắt.
Virus đang đi nhanh hơn con người, trong suốt 1 năm qua chúng đã "tiến hóa" ra rất nhiều biến chủng, biến chủng sau luôn nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm và có tỷ lệ tử vong cao hơn biến chủng trước, thậm chí có những người dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 nhưng vẫn bị dương tính.
Người dân Ấn Độ xuống tắm ở sông Hằng trong ngày đầu tiên của lễ Kumbh Mela hôm 14/1. Ảnh: Reuters
Người dân Ấn Độ xuống tắm ở sông Hằng trong ngày đầu tiên của lễ Kumbh Mela hôm 14/1. Ảnh: Reuters

Ấn Độ ngay bây giờ đang là một bài học cho những người Việt Nam, trong lễ hội Kumbh Mela truyền thống của người theo Đạo Hindu, hơn 4 triệu tín đồ đã đổ về hai bờ Sông Hằng trầm mình xuống dòng nước thiêng cầu mong phước lành, những con người chen chúc trong làn nước mà không biết rằng ngay sau đó những bệnh viện sẽ quá tải, oxi cạn kiệt, nhà xác hết chỗ, lò hỏa thiêu vượt công suất, thay vào đó là các khu hỏa thiêu tự phát... phước lành đã không theo các vị thần đến, thay vào đó là thần Chết!. Theo Viện Đánh giá và Đo lường sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ), lây lan COVID-19 tại Ấn Độ sẽ đạt đỉnh vào ngày 16/5. Sử dụng mô hình dự báo của mình, IHME dự đoán từ nay đến thời điểm đó nhiều khả năng sẽ có thêm 200.000 người Ấn Độ thiệt mạng vì nhiễm SARS-CoV-2, với số ca tử vong có thể lên đến 13.000 người/ngày. Theo nghiên cứu của IHME, tại Ấn Độ, tỉ lệ nhiễm SARS-CoV-2 có thể lên đến 25% tổng dân số. Tính đến 1/8, nhiều khả năng số người chết vì COVID-19 tại nước này sẽ lên mức 960.000 người. Tuy nhiên, nếu 95% dân số tuân thủ quy định đeo khẩu trang sẽ tránh được khoảng 80.000 ca tử vong. Cộng với chiến dịch tiêm chủng được thực hiện đúng kế hoạch, sẽ có thêm khoảng 85.000 người được cứu sống.
Ở Việt Nam không phải không có những việc tương tự như thế, cách đây hơn 01 tháng, Chùa Tam Chúc - ngôi chùa lớn nhất thế giới đang được xây dựng ở Hà Nam đã "thất thủ" vì hơn 5 vạn người đổ về cầu phúc, chiêm bái, không có 5K, không có khoảng cách, thậm chí cũng không có khẩu trang, không ai dám tưởng tượng nếu có 1 F0 trong 5 vạn người đó thì hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào. Thật may mắn khi lúc đó "phúc lành" của chúng ta chưa hết! Nhưng không ai dám khẳng định lần này cũng như thế.
Biển người phủ kín một phần khuôn viên chùa Tam Chúc ngày 14/3. Ảnh MXH.
Biển người phủ kín một phần khuôn viên chùa Tam Chúc ngày 14/3. Ảnh MXH.

Vậy nên:
Nếu bạn nghĩ rằng đeo khẩu trang đi chơi là bất tiện thì hãy nhớ rằng những bác sỹ, chiến sỹ làm việc tại tuyến đầu, dưới cái nóng 35 - 37 độ C họ vẫn phải đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ kín mít 24/24, chẳng ai kêu ca vì bất tiện cả!
Nếu bạn cho rằng thật khó khăn khi phải luôn tuân thủ 5K khi đi du lịch thì hãy nhớ rằng có những nơi trên thế giới ngay cả bây giờ nếu sử dụng 5K cũng đã quá trễ và họ đang ước gì ngay từ đầu họ đã "được" thực hiện 5K.
Nếu bạn cảm thấy buồn bực vì cái Tết vừa rồi thật buồn chán, vì đã lâu không được đi chơi, đã lâu không ăn nhà hàng, đã lâu không về nhà thì hãy nhớ rằng những cán bộ, chiến sỹ ở biên giới, nơi tuyến đầu chống dịch cũng đã rất lâu rồi không có Tết, đã rất lâu rồi đi mòn chân trên những chặng đường rừng núi gập ghềnh, đã rất lâu rồi không được gặp người thân, có những chiến sỹ đi làm nhiệm vụ khi vợ đang mang thai và bây giờ con đã hơn 1 tuổi mà chưa gặp cha, có những chiến sỹ gác lại chuyện hạnh phúc cá nhân, khoan không cưới để gánh trên vai Tổ quốc, cũng có những chiến sỹ đã cất đi khăn tang, tạm nén nỗi buồn mất cha, mất mẹ mà cùng đồng đội ngày đêm chống dịch... tất cả đều vì hậu phương - vì sau lưng họ là đồng bào, là đất nước!
Hãy cảm thấy rằng được đeo khẩu trang, thở dưới lớp khẩu trang là một ân huệ trong thời điểm hiện tại và mỗi khi có ý định kéo chiếc khẩu trang xuống ở nơi công cộng thì xin hãy nhớ về Ấn Độ - nơi mà người ta đang chọn tháo ống thở của người già để ưu tiên cơ hội sống cho những người trẻ.
Trong những ngày nghỉ lễ tới đây, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, đừng “xả hơi” để rồi ân hận cũng đã muộn./.
Nguyễn Doanh

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang