Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Cảnh báo tội phạm lừa đảo liên quan đến “kiếm tiền online”
Với lời quảng cáo hấp dẫn như hoa hồng cao, ngồi nhà vẫn kiếm tiền triệu mỗi ngày..., các trang web lừa đảo này đã thu hút được hàng ngàn người tham gia. Và sau vài lần trả đủ các khoản hoa hồng hậu hĩnh, khi các "con mồi" nạp thêm các khoản tiền lớn vào tài khoản với hi vọng thu về nhiều hoa hồng hơn, các đối tượng sẽ đánh sập trang web và biến mất cùng số tiền chiếm đoạt được.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, hoạt động của website webshopping.cc, shop555.cc (ứng dụng Shopping Mall) và nhiều website có hoạt động tương tự liên tục kêu gọi huy động vốn, phát triển mạng lưới người tham gia, trả thưởng theo mô hình đa cấp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia vào hệ thống của các website trên. Để thu hút người chơi, website webshopping.cc, shop555.cc quảng cáo rằng đây là website cho nhà đầu tư làm nhiệm vụ “tranh” đơn hàng “ảo” của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Lazada, Tiki… và nhận hoa hồng dựa trên gói đầu tư tham gia. Các đối tượng tiếp tục giới thiệu: Hiện nay, các Shop bán hàng trên các trang TMĐT luôn có nhu cầu tìm kiếm đối tác để mua đơn hàng “ảo” các sản phẩm của shop nhằm tăng tỷ lệ bán hàng “ảo” cho sản phẩm để thu hút khách mua hàng.
Khi tham gia vào website này, người đầu tư phải đăng ký tài khoản và bắt buộc phải nhập mã của người giới thiệu, sau khi đăng ký thành công người đầu tư cập nhật thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để nhận tiền.
Giật đơn hàng ảo là như thế nào? Đặt đơn ảo Shopee hay đặt đơn ảo khi mua hàng Online là tên gọi chung của một đơn hàng ảo không xuất phát từ khách hàng mua thật sự. Hành động giật đơn xuất phát từ lời hứa hẹn hưởng phần trăm hoa hồng từ việc mua hàng trên các trang thương mại điện tử. Nhưng điểm mới của việc giật đơn cũng giống như chơi game online vậy. Người chơi nạp tiền thật quy ra một số lượng tiền ảo được gọi là point hay điểm được cam kết là dễ dàng rút được tiền thật hay dễ dàng trao đổi đối với những người tham gia. Mỗi ngày, ứng dụng sẽ giới hạn số lượng các vụ giật đơn. Muốn thực hiện hoạt động này nhiều hơn, người tham gia có 2 cách, nạp tiền và kêu gọi người khác tham gia. Thường là cả 2 cách được sử dụng song song, thành quả là họ sẽ được lên hạng. Cấp càng cao, dưới càng nhiều thành viên thì con số trên sẽ cao hơn. Người tham gia ở dưới ra sức “giật đơn”, muốn lên cấp cao hơn phải tham gia lôi kéo tạo nên một tháp người nhìn vào những con số hiển thị qua màn hình tăng lên.
Khi tham gia, người đầu tư phải nộp tiền đầu tư tối thiểu là 300 nghìn đồng và bắt đầu làm nhiệm vụ “tranh” các đơn hàng “ảo”. Mỗi ngày, người đầu tư được tranh 60 đơn hàng, mỗi đơn hàng sẽ nhận được hoa hồng 0,3% trên gói đầu tư tham gia, tổng cộng 5%/ngày (150%/tháng). Ví dụ, nếu người đầu tư nộp 100 triệu đồng để tham gia tranh đơn, sau khi tranh 60 đơn hàng sẽ nhận về được từ 4 đến 5 triệu đồng/ngày. Con số hoa hồng khủng (150%/tháng, 1.800%/năm) khiến rất nhiều nhà đầu tư “mờ mắt”, lao vào nộp tiền để tranh đơn hàng ảo.
Việc “tranh đơn hàng ảo” bản chất là lợi dụng hoạt động TMĐT để lừa đảo kinh doanh đa cấp. Cụ thể, mô hình đa cấp biến tướng của trò lừa đảo này thể hiện các nhà đầu tư được khuyến khích phát triển hệ thống, cấp dưới tham gia tranh đơn hàng ảo để nhận hoa hồng. Nhà đầu tư F0 được hưởng hoa hồng 16% trên tổng số giá trị đơn hàng F1 nhận được. Tương tự, F1 nhận được 8% hoa hồng của F2, F2 nhận được 4% hoa hồng của F3 trong ngày…
Các đối tượng cầm đầu thường thuê, mượn tài khoản ngân hàng của các cá nhân trong nước mở tại các ngân hàng thương mại cổ phần để nhận tiền đầu tư của người chơi. Với phương thức, thủ đoạn như trên các đối tượng cầm đầu đã huy động được rất nhiều người tham gia trên toàn quốc, ước tính số tiền các nhà đầu tư đã chuyển cho các đối tượng lên tới hàng chục tỷ đồng, bất ngờ các website webshopping.cc, shop555.cc đã không thể truy cập được từ ngày 14/4/2021, trước đó vào tháng 10/2020 hệ thống website tailoc888.net và ứng dụng tailoc888 cho người đầu tư tham gia “Giật” đơn hàng ảo trên các sàn TMĐT lớn đã bị sập khiến nhiều người đầu tư bị mất toàn bộ số tiền đã đầu tư. Hiện nhiều người dân đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan Công an.
Hoạt động của website webshopping.cc, shop555.cc và các loại hình có mô hình tương tự tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, hoạt động theo mô hình đa cấp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự. Đáng lên án là việc có một số người chơi biết rõ các trang web này là lừa đảo, hoạt động không bền vững, thiếu minh bạch, lường trước được việc trang web sẽ sập bất cứ lúc nào nhưng vì từng rút được tiền, nên vẫn ham, cố tham gia kiểu “được đồng nào, hay đồng ấy” và tranh thủ huy động bạn bè, người thân nạp tiền thật vào để chơi trong những ngày đầu tham gia dẫn đến số lượng người bị lừa đảo, thiệt hại về tài sản ngày càng lớn.
Sau khi một trang web dạng này sập, trên mạng xã hội lại lập tức có thêm nhiều tài khoản “ảo” rêu rao về những trang web kiếm tiền online dễ dàng mới khác. Việc lập một website mới không khó. Chỉ cần vài chục phút, chủ trang web có thể lấy giao diện cũ, đổi hình ảnh, tên, logo và địa chỉ truy cập là có ngay một “cạm bẫy” mới, với những chiêu thức y hệt.
Một điểm chung dễ thấy ở các trang web nói trên, là không cách nào tìm thấy địa chỉ, không thấy tên công ty và cũng không có cách nào liên hệ với chủ nhân đứng sau. Các nhóm chat trên mạng xã hội Zalo, Facebook thường do những tài khoản ảo mở ra, điều hành. Khi web sập, các nhóm chat lập tức biến mất, người dùng không biết khiếu nại với ai, bởi toàn bộ các trang web trên đều không đăng kí với cơ quan chức năng và việc kinh doanh, giao dịch, chuyển tiền cho các hệ thống này không được đảm bảo về mặt pháp luật.
Người dân cần hết sức cảnh giác với các app quảng cáo kiếm tiền online
Người dân cần hết sức cảnh giác với các app quảng cáo kiếm tiền online

Hiện nay, cơ quan Công an đang tập trung đấu tranh với loại hình tội phạm mới này, tuy nhiên bản thân những người tham gia, những nhà đầu tư cũng phải tự nhìn nhận lại sự việc, bởi không khó để có thể nhận biết ra những mô hình kinh doanh có dấu hiệu lừa đảo. Hầu hết các mô hình này đều có những điểm chung như huy động vốn đầu tư với lãi suất cao không tưởng, phát triển hệ thống theo mô hình kim tự tháp giống đa cấp mà không có hoạt động sản xuất, kinh doanh nào thực tế được chứng minh.
Có thể thấy rằng, không có công việc nhẹ nhàng nào lại mang về thu nhập cao bất thường. Trước khi có ý định tham gia bất cứ công việc kiếm tiền nào trên mạng, người dùng Internet cần có ý thức tự bảo vệ mình, tránh lạc vào “ma trận” mánh khóe, chiêu trò của những kẻ lừa đảo đứng sau chiếc bẫy “kiếm tiền online”.
Doanh Nguyễn

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang