Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Một số phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao
Thời gian qua, tình hình hoạt động của bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đã xảy ra nhiều vụ án rất nghiêm trọng như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản,... gây bức xúc cho quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương.
Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Nai thông báo để mọi người dân biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm này để cảnh giác, phòng ngừa, chủ động phát hiện, tố giác tội phạm với lực lượng công an góp phần bảo vệ bản thân, gia đình và an ninh trật tự trên địa bàn:
1. Thủ đoạn kết bạn làm quen, tặng quà:
Thông qua mạng xã hội Facebook, Messenger, WhatsApp .... đối tượng sử dụng thông tin, hình ảnh của một số người nước ngoài để kết bạn, làm quen với bị hại (là người Việt Nam) và nhắn tin qua lại thăm hỏi về sức khoẻ, tình cảm và đối tượng này cho biết mình hiện là lính Mỹ đang đóng quân tại các nước tham chiến như: Afghanistan, ... Sau vài ngày, đối tượng nhắn tin cho bị hại biết đang có một số lượng tài sản là đôla Mỹ (hoặc vàng) có giá trị rất lớn muốn gửi về cho người yêu để sau này đối tượng sang Việt Nam sinh sống, kết hôn (hoặc đối tượng đưa ra thông tin nhờ bị hại cất giữ dùm, hoặc cho mượn tiền để giúp vốn kinh doanh).
Thủ đoạn kết bạn làm quen, tặng quà (nguồn: báo Nghệ An)
Thủ đoạn kết bạn làm quen, tặng quà (nguồn: báo Nghệ An)

Từ những thông tin này, làm cho bị hại tin việc gửi tiền (quà) về Việt Nam là có thật nên đối tượng đề nghị bị hại cung cấp thông tin họ tên, nơi ở, số điện thoại liên lạc để chuyển quà. Sau đó các đối tượng khác tự xưng là nhân viên vận chuyển, an ninh sân bay, .... gọi điện thoại liên lạc, thông báo do thùng quà bị phát hiện bên trong chứa rất nhiều tiền nên yêu cầu bị hại phải đóng trước các loại thuế hải quan, phí vận chuyển, tiền nộp phạt .... bằng cách nộp, chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định. Do muốn nhận được thùng quà nên bị hại mất cảnh giác nên đã nộp, chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng, đến khi không còn tiền thì mới phát hiện mình bị lừa.
Biện pháp phòng ngừa: Không nên tin tưởng và liên lạc, giao tiếp với các mối làm quen, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội, qua điện thoại… Không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng tự xưng nhân viên giao nhận, hải quan, thuế… yêu cầu chuyển tiền, đóng phí; Tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào khi nghi vấn đối tương lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong toả ngay số tiền đã chuyển); Nếu gặp trường hợp nghi vấn lừa đảo, người dân cần tìm cách ghi lại thông tin của các đối tượng như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… và thông báo, cung cấp ngày cho cơ quan Công an để điều tra, xử lý và ngăn chặn.
2. Thủ đoạn giả danh cơ quan nhà nước (Công an, Viện kiểm sát, nhân viên bưu điện, ...)
Đối tượng sử dụng các số điện thoại gồm các đầu số có mã vùng quốc tế gồm: +88, +99, +00, +188, … gọi ngẫu nhiên vào số điện thoại bàn hoặc số điện thoại di động của bị hại và tự xưng là nhân viên bưu điện hỏi thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại của bị hại. Sau đó, đối tượng này thông báo có 01 bức thư đảm bảo nhưng tại sao không nhận. Đối tượng nhân viên bưu điện này đề nghị mở hộ để xem nội dung bên trong bức thư và tự thông báo là có 01 thẻ tín dụng đứng tên của bị hại mở tại ngân hàng đã sử dụng hết tiền trong tài khoản nhưng không thanh toán. Tiếp theo đối tượng này tạo lòng tin và hướng dẫn bị hại nối máy với đường dây nóng cho là Cơ quan điều tra Bộ Công an giúp báo án. Tại đây có người tự xưng là cán bộ công an hỏi bị hại về thông tin, địa chỉ, số điện thoại và tiếp tục thông báo bị hại biết là đang bị băng xã hội đen lừa đảo và sẽ hướng dẫn giúp bị hại trình bày sự việc với lãnh đạo cơ quan điều tra.
Thủ đoạn giả danh cơ quan nhà nước (nguồn: báo cand)
Thủ đoạn giả danh cơ quan nhà nước (nguồn: báo cand)

Tiếp theo, có đối tượng khác cũng tự xưng là công an và cho biết đã trình bày sự việc trên cho Cơ quan điều tra. Người này còn cho biết bị hại đang dích vào 01 vụ án khác mà Cơ quan điều tra đang thụ lý đã bắt một số đối tượng liên quan, đồng thời thông báo bị hại biết đã có lệnh bắt khẩn cấp và hỏi bị hại về các khoản tiền đang gửi tại các ngân hàng.
Sau đó, người công an mạo danh này tiếp tục cho biết đã xin được hoãn lệnh bắt và yêu cầu bị hại mở tài khoản mới tại ngân hàng, rút toàn bộ số tiền hiện có nộp vào tài khoản vừa mở. Tại đây đối tượng cam kết để bị hại tin là tiền trong tài khoản đứng tên của mình là an toàn. Đối tượng cung cấp đường dẫn ứng dụng có hình lôgô Bộ Công an cho cho bị hại tải về cài đặt trên điện thoại, sau đó yêu cầu bị hại nhập thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu để đối tượng giám sát số tiền và chứng minh tiền trong tài khoản là trong sạch, ngoài ra đối tượng còn đề nghị bị hại không được tiết lộ bí mật nếu bị phát hiện thì sẽ bắt giam. Đến lúc này bị hại hoảng sợ nên đã làm theo và nộp toàn bộ số tiền của gia đình có được vào tài khoản này, ngay sau đó các đối tượng chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản bị hại vào các tài khoản khác để chiếm đoạt.
Biện pháp phòng ngừa: Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án, … không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại, khi có yêu cầu làm việc sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập và cũng không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội.
Khuyến cáo người dân lưu ý, tất cả số điện thoại giả mạo theo số máy của cơ quan chức năng đều có thêm dấu (+) trước dãy số vì chúng được thực hiện quan mạng Internet (Voip). Nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến qua tổng đài 1080 sẽ không phát hiện được sự giả mạo này.
3. Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức cho vay tín chấp qua mạng
Đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook, zalo, Telegram, ... đăng tải các mẫu tin cho vay tín chấp với điều kiện hấp dẫn, thậm chí gửi cả tin nhắn sms cho hàng loạt số điện thoại. Khi người vay có nhu cầu sẽ liên lạc qua zalo, số điện thoại, ... thì các đối tượng đầu dây bên kia sẽ tự xưng là nhân viên ngân hàng, công ty tài chính hướng dẫn người vay làm các thủ tục như cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh, giấy tờ qua zalo, mesenger, ... Sau khi khai báo đủ thông tin, các đối tượng làm giả hợp đồng cho vay, thông báo xét duyệt khoản vay với mộc dấu, chữ ký giống như các tổ chức tín dụng hợp pháp. Tiếp theo các đối tượng yêu cầu người vay nộp 10% đến 15% giá trị khoản vay với lý do là để chứng minh thu nhập bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng chỉ định. Sau đó đối tượng tiếp tục đưa các khoản phí, thanh toán tiền bảo hiểm khoản vay và đưa ra nhiều lý do như lỗi thao tác người vay, lỗi hệ thống, .... để yêu cầu nạn nhân nộp tiền vào tài khoản, sau đó chiếm đoạt.
Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức cho vay tín chấp qua mạng (nguồn báo: cand)
Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức cho vay tín chấp qua mạng (nguồn báo: cand)

Biện pháp phòng ngừa: Tuyệt đối không giao dịch, vay mượn tiền qua các ứng dụng (app), trên các trang mạng xã hội khi không biết rõ địa chỉ, nhân thân cụ thể của người cho vay vì các ứng dụng cho vay trên mạng xã hội đều là các ứng dụng có thông tin giả mạo, hoạt động cho vay nặng lãi và có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
4. Thủ đoạn tuyển cộng tác viên làm việc qua mạng
Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid19 kéo dài, khiến người lao động mất việc làm, giảm thu nhập tăng lên. Lợi dụng tình trạng nhiều người đang gặp khó khăn về tài chính, lại không có việc làm, các đối tượng đã giả mạo là nhân viên của các sàn thương mại điện tử nhắn tin hoặc sử dụng tài khoản mạng xã hội đăng tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử như: Shopee, Tiki, Lazada, Amazon, ... Khi người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng sẽ cung cấp cho đường dẫn để tải ứng dụng về cài đặt trên điện thoại. Sau đó đối tượng yêu cầu họ phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ nhận được tiền gốc cộng chiết khấu “hoa hồng”. Mỗi lượt mua thành công sẽ được hưởng “hoa hồng” từ 10% đến 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng. Đối với những đơn hàng có giá trị nhỏ, đầu tiên cộng tác viên (bị hại) sẽ được thanh toán kèm “hoa hồng” như đã hứa nhằm tạo lòng tin và đánh vào lòng tham vì việc kiếm tiền quá dễ dàng. Khi số tiền đặt hàng của cộng tác viên ngày càng lớn, các đối tượng sẽ giở nhiều chiêu trò đưa ra các lý do như nộp thêm tiền để nâng hạng Vip. Khi số tiền trong tài khoản đủ lớn muốn rút tiền về tài khoản ngân hàng thì cộng tác viên phải nộp các khoản tiền như: tiền thuế thu nhập, phí xác minh tiền trong tài khoản, phí bảo hiểm do số tiền lớn, .... nộp vào tài khoản do bọn chúng cung cấp để chiếm đoạt.
Thủ đoạn tuyển cộng tác viên làm việc qua mạng (nguồn báo: pháp luật)
Thủ đoạn tuyển cộng tác viên làm việc qua mạng (nguồn báo: pháp luật)

Biện pháp phòng ngừa: Cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không nên tham gia đầu tư, mua bán trên mạng hoặc chuyển tiền cho những tài khoản ngân hâng mà mình không quen biết để tránh bị lừa. Lưu ý, khi làm cộng tác viên cho bất kỳ đơn vị cung ứng hàng hoá, dịch vụ hay sàn thương mại điện tử nào thì cần kiểm tra rõ thông tin về hàng hoá và đơn vị cung cấp để kiểm chứng chính xác, tránh để bị đối tượng có cơ hội thực hiện lừa đảo.
5. Thủ đoạn Hack Facebook lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thủ đoạn Hack Facebook lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nguồn báo: lao động)
Thủ đoạn Hack Facebook lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nguồn báo: lao động)

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid19 diễn biến phức tạp, người dân không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch mà thường liên hệ qua mạng xã hội và hình thức chuyển khoản, các đối tượng đã chiếm đoạt tài khoản Facebook sau đó nghiên cứu, tìm hiểu sơ lược về các mối quan hệ, các thói quen sinh hoạt, thói quen viết tin nhắn của người dùng để bắt chước cách nhắn tin và tìm kiếm “con mồi”. Đối tượng mạo danh chủ tài khoản Facebook nhắn tin gửi cho nhiều bạn bè trong danh sách nhằm mục đích nhờ thanh toán tiền, mua đồ, mua thẻ cào điện thoại, …,nhằm chuyển tiền vào một số tài khoản ngân hàng mà các đối tượng đã chuẩn bị sẵn từ trước để chiếm đoạt. Các tài khoản ngân hàng nhận tiền thường là các tài khoản không chính chủ, gồm: tài khoản mua của những người không có nhu cầu sử dụng; tài khoản ảo có sai sót trong việc đăng ký thông tin.
Biện pháp phòng ngừa: Người dùng Facebook cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn nhắn tin vay mượn tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ cào trên Facebook, … cần gọi điện thoại trực tiếp cho chủ tài khoản để xác minh thông tin; tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web nghi vấn hoặc yêu cầu đăng nhập tài khoản một cách bất thường. Cài đặt mật khẩu Facebook có yếu tố bảo mật cao, hạn chế sử dụng các thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh để cài đặt mật khẩu; luôn cài đặt mã xác thực 2 yếu tố qua điện thoại hoặc hòm thư điện tử tin cậy; cài đặt cảnh báo đăng nhập để kịp thời phát hiện đăng nhập từ các thiết bị bất thường.
6. Thủ đoạn đề nghị nâng cấp sim điện thoại
Trong thời gian gần đây xuất hiện nhóm đối tượng mạo danh nhân viên của các nhà mạng viễn thông gọi điện thoại tư vấn cho bị hại hỗ trợ nâng cấp sim điện thoại 4G lên 5G không mất phí và sử dụng dịch vụ được tốt hơn, kèm theo nhiều tiện ích, quà tặng, thưởng. Khi đối tượng cho biết thủ tục đơn giản, tiện lợi nên bị hại đồng ý thì đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và hướng dẫn bị hại nhắn tin vào tổng đài do đối tượng cung cấp.
Đến lúc này, bị hại đã bị chiếm quyền sử dụng sim điện thoại, đối tượng nhắn tin đến các tài khoản ngân hàng của bị hại có đăng ký giao dịch Internet banking để lấy mật khẩu giao dịch tài khoản ngân hàng là dãy số gọi là mã OTP. Sau đó, đối tượng thực hiện chuyển tiền có trong tài khoản bị hại đến các tài khoản khác để chiếm đoạt.
Thủ đoạn đề nghị nâng cấp sim điện thoại (nguồn báo: docbao.vn)
Thủ đoạn đề nghị nâng cấp sim điện thoại (nguồn báo: docbao.vn)

Biện pháp phòng ngừa: Để không bị mất tiền oan, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần xác minh trực tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ gồm ngân hàng và công ty viễn thông. Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch OTP cho bất cứ ai dù là nhân viên ngân hàng. Đặc biệt trong trường hợp bị mất quyền sử dụng SIM, nghi ngờ bị lộ thông tin cá nhân tại ngân hàng, khách hàng cần báo ngay với nhà mạng, ngân hàng và công an để có phương án xử lý kịp thời.
7. Thủ đoạn lừa đảo qua sàn ngoại hối, tiền ảo
Thủ đoạn lừa đảo này không mới nhưng chúng đánh vào lòng tham. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành hiện nay, các kênh đầu tư đều không mang lại nhiều lợi nhuận, nhất là kênh gửi tiết kiệm ngày càng thấp, nên nhiều người mong muốn tìm kênh đầu tư sinh lợi. Vì thế, những đối tượng lừa đảo đã lợi dụng điểm yếu này để câu nhử nạn nhân với lãi suất lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phần trăm. Đã thế, chỉ việc bỏ tiền vào mà không phải làm gì, ngồi không thì tiền vẫn đổ về tài khoản. Để tạo lòng tin, những đối tượng này tổ chức các buổi học, tư vấn, tiệc tùng sang trọng, phô bày cuộc sống xa hoa khiến nhiều người mờ mắt. Nhóm này tìm người đứng ra huy động, đưa ra những con số, biểu đồ, chạy tới chạy lui trong các phòng họp khách sạn hoành tráng là có thể “xuống tiền” ngay được, mà không biết rằng sân chơi đó là cạm bẫy của sự lừa đảo.
Thủ đoạn lừa đảo qua sàn ngoại hối, tiền ảo (nguồn báo: vtv)
Thủ đoạn lừa đảo qua sàn ngoại hối, tiền ảo (nguồn báo: vtv)

Thủ đoạn lừa đảo của nhóm này là tạo ra một hoặc nhiều website và thành lập các hội nhóm (group) trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram, …, đưa ra thông tin các mã chứng khoán, đồng tiền ảo sắp lên sàn, ….. thông qua tổ chức các sự kiện để dụ dỗ, lôi kéo người chơi với mức lãi suất đầu tư siêu lợi nhuận. Những người tham gia sẽ được hướng dẫn tạo tài khoản để đầu tư trên sàn ngoại hối, sàn chứng khoán, sàn tiền ảo kiếm lời.
Trong thời gian đầu, đối tượng sẽ cho các bị hại (nhà đầu tư) đánh thắng và rút được tiền lợi nhuận về tài khoản của mình. Vì thấy kiếm tiền lời nhanh chóng và dễ dàng nên tư vấn cho các bị hại tiếp tục đầu tư với số tiền lớn hơn và giới thiệu thêm nhiều người tham gia. Đến thời điểm đã đủ số lượng người chơi với số lượng tiền lớn thì cho đánh cháy tài khoản hoặc gây khó khăn không cho các bị hại rút tiền từ tài khoản ảo; đồng thời yêu cầu các bị hại tiếp tục nạp tiền vào tài khoản để tiến hành nâng cấp website, nâng cấp gói Vip, sàn… khi bị hại hết khả năng nộp tiền thì đối tượng đóng băng tài khoản, đánh sập sàn, đưa giá tiền ảo nội bộ do các đối tượng tạo ra tụt dốc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà các bị hại đã nạp vào.
Biện pháp phòng ngừa:
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không cấm các hoạt động đầu tư vào thị trường ngoại hối, sàn Forex nhưng cũng không cho phép bất kỳ đơn vị, tổ chức nào được mở sàn môi giới giao dịch. Các sàn giao dịch được mở tại thị trường Việt Nam là trái pháp luật, nếu khi có rủi ro xảy ra, quyền lợi của các nhà đầu tư không được đảm bảo pháp lý.
Do đó, đề nghị mỗi người dân hết sức thận trọng, nhất là những kinh doanh mời chào lãi suất, lợi nhuận cao, có dấu hiệu không minh bạch, không đúng đắn. Người dân, nhà đầu tư trước khi đầu tư có thể tham khảo, tư vấn thêm những cơ quan chức năng, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.

8. Thủ đoạn mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng.
Tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) là một hình thức tin nhắn được các tổ chức, cá nhân đăng ký độc quyền tại các nhà mạng viễn thông và sử dụng làm dịch vụ gửi tin nhắn, gọi điện hàng loạt đến các khách hàng, để chăm sóc, quảng bá hình ảnh, thông báo nội dung, chính sách mới… đến khách hàng. Theo nguyên tắc, khi tin nhắn, cuộc gọi Brand Name đã được đăng ký tại các nhà mạng thì các tổ chức, cá nhân khác không được phép đăng ký trùng tên thương hiệu.
Thủ đoạn mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng (nguồn báo vtv)
Thủ đoạn mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng (nguồn báo vtv)

Bằng nhiều nguồn khác nhau, sau khi có được thông tin khách hàng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng… các đối tượng sẽ giả mạo tin nhắn, cuộc gọi thương hiệu (Brandname) của các tổ chức tài chính, ngân hàng như: Vietinbank, Techcombank, Sacombank, ….. nhắn tin vào thuê bao di động của khách hàng kèm nội dung “Phat hien tai khoan cua ban dang nhap khac vung bat thuong vui long dang nhap https://vn-sacombank.com đe duoc xac nhan thong tin va thay doi mat khau”. Do đó, khi người dùng, khách hàng của các ngân hàng nhận được tin nhắn trên sẽ rất dễ nhầm tưởng đây là thông báo chính thức từ các ngân hàng.nếu không cảnh giác thì người dùng sẽ truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn, hệ thống sẽ tự động hiển thị một trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng, tổ chức… và được yêu cầu điền các thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP….
Khi có được các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản ngân hàng của bị hại và chuyển toàn bộ số tiền vào các tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt.
Bằng các phương thức, thủ đoạn trên, thời gian qua, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng với số tiền lớn, xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Với phương thức phát tán tin nhắn Brandname giả mạo ngân hàng, Do đó người dùng, khách hàng rất khó để phân biệt được thật giả. Một số tổ chức tín dụng đã gửi khuyến cáo về các hình thức lừa đảo để cảnh báo khách hàng của mình nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng nhận được thông tin hay hiểu hết được mức độ tinh vi và nguy hiểm của những thủ đoạn trên, nguy hiểm hơn là các tin nhắn, cuộc gọi giả mạo này lại được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu “thật” của các ngân hàng trên điện thoại di động của người dùng. Hơn nữa, nội dung các tin nhắn giả mạo này luôn kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo do các đối tượng quản lý (các trang web này có tên gần giống với các trang web chính thức của các ngân hàng).

Đây là thủ đoạn rất tinh vi, cần được mọi người dùng, khách hàng nhận biết, quan tâm, nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của chính mình, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi khối lượng giao dịch ngân hàng theo phương thức online là rất lớn, do tình hình dịch bệnh nên người dân chủ yếu mua bán hàng hóa thông qua hình thức online và thanh toán qua phương thức chuyển khoản. Chính vì lẽ đó đối tượng phạm tội đã lợi dụng cơ hội này để gia tăng hoạt động.

Mọi thông tin liên quan đến hoạt động của tội phạm công nghệ cao thông báo về cơ quan công an gần nhất hoặc Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Nai, địa chỉ: số 25-27, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, số điện thoại: (0251) 3685134.

Phòng ANM & PC TPSDCNC

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang