Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Tồn đọng "án tín dụng"
Trong số hơn 37 nghìn vụ việc thi hành án dân sự về tín dụng cần xử lý trong năm 2022 mới chỉ có hơn 6 nghìn vụ được thực hiện. Đây là con số được đưa ra tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng thông qua thi hành án dân sự" diễn ra ngày 25/11.
Việc xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án được thực hiện hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự, kinh doanh thương mại đối với hoạt động ngân hàng còn tồn tại rất nhiều bất cập chưa đảm bảo quyền của chủ nợ có bảo đảm, gây rủi ro cho TCTD bên nhận bảo đảm.
Việc xử lý tài sản bảo đảm trong án tín dụng gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa
Việc xử lý tài sản bảo đảm trong án tín dụng gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Ông Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, cho biết các cơ quan thi hành án dân sự đang tiến hành tổ chức thi hành án cho 76 TCTD, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính. Theo đó, trong năm 2022, cơ quan thi hành án phải thi hành số lượng 37.058 việc, tương ứng với số tiền trên 137.311 tỷ đồng (chiếm 4,31% về việc và 41,14% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn hệ thống).

Tuy nhiên, đến nay, cơ quan thi hành án mới hoàn thành xong 6.215 việc, đạt 27,66% trên số có điều kiện thi hành án. Số việc chuyển kỳ sau là 30.843 việc, tương ứng với số tiền là xấp xỉ 114.767 tỷ đồng (bao gồm cả số việc chưa có điều kiện thi hành án).

Ở 2 địa phương lớn là đầu tàu kinh tế của cả nước, chỉ tính riêng số vụ án tín dụng, ngân hàng đang chờ thi hành tại Cục Thi hành án dân sự và TP Hồ Chí Minh đã hơn 10.600 vụ việc, số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Tương tự, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho biết, năm 2022 (từ 1/10/2021 đến 30/9/2022), tổng thụ lý án tín dụng ngân hàng là 5.962 việc với số tiền hơn 36.000 tỷ đồng. Trong đó, số việc có điều kiện thi hành án là 3.483 việc (chiếm 58,41%). Kết thúc năm, các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 875 vụ việc, đạt tỷ lệ 25,12%. Rất nhiều đơn vị thi hành án trong tình trạng quá tải do số vụ về việc và về tiền rất lớn như: Ba Đình, Cầu Giấy, Chương Mỹ, Đông Anh, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng. Một số TCTD có lượng án phải thi hành lớn như: Techcombank (1.153 việc, trên 4.161 tỷ đồng); Agribank (316 việc, trên 4.918 tỷ đồng); Vietinbank (220 việc, trên 1.786 tỷ đồng); BIDV (168 việc, trên 2.937 tỷ đồng); Vietcombank (115 việc, trên 3.847 tỷ đồng); VP Bank (794 việc, trên 2.004 tỷ đồng) ...

Đánh giá tiến độ thi hành án thời gian qua, các TCTD đều cho rằng việc chậm trễ khiến ngân hàng bị ghim vốn, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. Đại diện Vietcombank cho hay, vướng mắc phổ biến nhất trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo thông qua thi hành án hiện nay là thời gian thi hành án để xử lý tài sản đảm bảo còn chậm trễ, kéo dài do sự bất hợp tác của bên chủ tài sản trong tất cả các bước của quá trình thi hành án.

Tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… thời gian thi hành án thường kéo dài từ 20 tháng. Thậm chí có vụ việc đến 10 năm nay vẫn chưa xong (là trường hợp khách hàng CTCP Thương mại dược phẩm Nhật Tân tại Hà Nội). Thực trạng này khiến quyền lợi hợp pháp của các TCTD không được bảo đảm, thời gian thi hành án kéo dài, tốn kém chi phí, giảm giá trị thu hồi nợ, làm tăng nguy cơ gây ra tổn thất cho TCTD cũng như cho xã hội.

Thừa nhận công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi tiền tài sản cho các TCTD, ngân hàng vẫn còn hạn chế, ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất, một số quy định của pháp luật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản. Thứ hai, các vụ án phải thi hành ở địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có giá trị phải thi hành lớn, tính chất phức tạp, tài sản phải xử lý nhiều, có tranh chấp hoặc đang có vướng mắc về pháp luật khi xử lý. Thứ ba, ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người dân còn hạn chế, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài, chống đối, cản trở việc thi hành án. Thứ tư, hiệu quả công tác phối hợp của một số cơ quan hữu quan có nơi, có lúc còn chưa cao, nhất là trong việc xác minh, đo vẽ, xác định ranh giới, hiện trạng để xử lý quyền sử dụng đất, khấu từ tiền trong tài khoản.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá nguyên nhân chủ yếu của những bất cập hiện nay do quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu cụ thể, rõ ràng và do việc hiểu, áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cả từ phía bản thân các TCTD. Do đó, để công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn, nhất là công tác xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án, ông Dũng cho rằng ngoài việc hoàn thiện thể chế, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan.
Hà An(cand.com.vn)

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang