Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Cảnh giác với thủ đoạn video call giả khuôn mặt để lừa đảo
Tội phạm hiện cũng đang triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để lừa đảo. Thay vì chỉ nhắn tin, gọi điện giả danh các nhân viên công vụ, người thân, hiện chúng còn sử dụng công nghệ AI, giả cả giọng nói, khuôn mặt của những người thân bị hại để gọi video, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trung tá Phan Quang Vinh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết: Những thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội, lừa đảo bằng công nghệ cao hiện đang khá phổ biến. Vừa qua, hàng loạt những phụ huynh đã bị kẻ xấu gọi điện lừa đảo con em họ bị tai nạn, cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để mổ nhằm chiếm đoạt tài sản. Công an TP Hà Nội đã phát đi cảnh báo và hướng dẫn người dân cách thức phòng chống. Hiện, một trong những thủ đoạn mới các đối tượng đang bắt đầu sử dụng, đó chính là giả giọng nói, khuôn mặt của người thân bị hại để gọi điện bằng hình ảnh lừa đảo.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là lấy những video của người dùng đã đưa lên các nền tảng mạng xã hội, từ đó cắt ghép hoặc dùng công nghệ deepfake, AI để khi thực hiện hành vi sẽ phát lại video lừa đảo. Tuy nhiên, do cắt ghép và chỉnh sửa và dù đã được công nghệ hỗ trợ, song hầu hết những video này đều có chất lượng khá thấp, mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu. Đó cũng là một trong những dấu hiệu để bị hại nhận biết, cảnh giác. Dẫu vậy, không phải ai cũng có đủ thời gian nhận biết, sự tỉnh táo để xác định đó chỉ là “hàng fake”.

Nhiều đối tượng sử dụng sim điện thoại rác, tài khoản ngân hàng "ảo" để gọi điện, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhiều đối tượng sử dụng sim điện thoại rác, tài khoản ngân hàng "ảo" để gọi điện, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Trường hợp bị lừa với thủ đoạn trên là một phụ nữ sinh sống ở quận Long Biên, TP Hà Nội. Vào một buổi sáng, khi mở facebook ra, chị V.T.M nhận được tin nhắn của một người bạn thân đang sinh sống ở nước ngoài hỏi chuyển nhờ số tiền 75 triệu đồng vào tài khoản. Nghĩ bạn cần, nên chị M đã không ngại ngần chuyển tiền theo hướng dẫn.

Bản thân chị M cũng cho biết, khi nhận được tin nhắn của bạn hỏi vay tiền, chị còn cẩn thận gọi video lại để kiểm tra thì có thấy hình ảnh của người bạn mình đang ở video. Đến tối, trên trang facebook cá nhân của người bạn đăng dòng thông báo việc bị kẻ gian hack nick facebook để hỏi vay tiền bạn bè, chị M có gọi điện lại thì người bạn này xác nhận đã bị kẻ gian chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, dùng công nghệ AI cắt ghép hình ảnh, giọng nói để lừa đảo.

Theo Trung tá Phan Quang Vinh, thủ đoạn này các đối tượng lừa đảo “nâng cấp” từ những dòng tin nhắn hỏi vay tiền bạn bè, người thân vốn dĩ đã được đa số người dân nhận biết, cảnh giác. Thủ đoạn trên trong giới công nghệ gọi là deepfake. Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật. Càng có nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều dữ liệu để học. Deepfake có thể thay đổi khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngạc. Hiện nay, deepfake đang trở thành nỗi ám ảnh, là "bóng ma" trong thế giới Internet được tội phạm dùng để lừa đảo...

Thông tin với PV, Trung tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Người dân cần nâng cao cảnh giác với các cuộc gọi hỏi vay, mượn tiền, chuyển khoản, tránh việc xác nhận qua video call, đặc biệt là khi nhận các tin nhắn, cuộc gọi, đường link lạ. Trong trường hợp nhận được những “yêu cầu” này, cần giữ thái độ bình tĩnh, cẩn thận xác thực lại thông tin bằng cách gọi điện thoại hoặc có thể gặp trực tiếp để trao đổi thông tin chính xác trước khi chuyển tiền.

Bên cạnh đó, nên cẩn trọng với các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, không nên để lộ thông tin riêng tư như số nhà, số căn cước công dân, video, hình ảnh lên mạng xã hội. Lấy ví dụ về thủ đoạn các đối tượng lừa đảo phụ huynh học sinh vừa qua, chỉ huy Phòng CSHS cũng cảnh báo, hiện nhiều bậc phụ huynh hay đưa thông tin, hình ảnh cá nhân, con cái lên mạng xã hội. Cùng với đó, tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân, của con cái qua các hội, nhóm học thêm, phụ huynh…cũng đã xảy ra.

Với công nghệ AI nhân tạo, cùng với máy điện thoại lắp sim không chính chủ, các đối tượng "chế" giọng nói, hình ảnh của người thân bị hại để lừa đảo.
Với công nghệ AI nhân tạo, cùng với máy điện thoại lắp sim không chính chủ, các đối tượng "chế" giọng nói, hình ảnh của người thân bị hại để lừa đảo.


Nhiều người khi đăng ký mạng xã hội bằng số điện thoại cá nhân, và khi đối tượng lừa đảo kiểm tra qua mạng xã hội từ số điện thoại này dễ dàng biết được thông tin cá nhân, từ đó lập kế hoạch lừa đảo. Đây cũng là kẽ hở để kẻ gian dễ dàng xây dựng những kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi. Do vậy, người dân phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác của mình, tăng cường ý thức bảo mật thông tin cá nhân, gia đình, con cái, tránh làm “mồi” cho các đối tượng tội phạm. Ngoài ra, ngay khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo, rơi vào bẫy của các đối tượng, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để được giải quyết và điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng theo chỉ huy Phòng CSHS, bên cạnh thủ đoạn lừa đảo trên, hiện những phương thức lừa đảo mang tính truyền thống khác như các đối tượng đăng tin có nội dung tuyển dụng việc làm online có thu nhập cao, tuyến dụng, giao việc và yêu cầu bị hại ứng tiền chuyển khoản thanh toán các đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử trên, sau đó sẽ được thanh toán hoàn trả lại với số tiền lợi nhuận từ 10-15% số tiền thực hiện chuyển khoản vẫn xảy ra. Sau một vài đơn hàng (có giá trị thấp) thành công, các đối tượng yêu cầu bị hại thực hiện thanh toán các đơn hàng có giá trị cao. Khi đó, chúng lấy nhiều lý do thông báo đơn hành bị lỗi và yêu cầu bị hại thực hiện lại nhiều lần hoặc đổi sang thực hiện đơn hàng có giá trị cao hơn, rồi chiếm đoạt tiền và cắt liên lạc.

Chúng cũng sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram Tinder... để đăng bài, rồi kết bạn làm quen với người bị hại. Sau một thời gian quan biết, đối tượng giới thiệu, dụ dỗ, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch điện tử. Những lời quảng cáo có cánh các sàn đều có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, thậm chí người chơi còn được đội ngũ chuyên gia của sàn hướng dẫn đặt lệnh giúp chắc chắn thắng, nhưng bản chất các sản này đều là phần mền do đối tượng lập ra. Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì, hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền kỹ thuật số trong tài khoản. Lúc này, các đối tượng khóa các tài khoản Facebook, Zalo, Telegram, Tinder... cắt liên lạc với bị hại.

Các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP - truyền tải giọng nói qua mạng internet, GoIP - thiết bị chuyến cuộc gọi qua mạng internet thành cuộc gọi GSM thông thường...) có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho bị hại, tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục, trung tâm y tế, thông báo về việc người bị hại đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng, hoặc liên quan đến các vụ án, vụ việc vi phạm luật giao thông đường bộ... Sau đó, chúng nối máy cho bị hại nói chuyện với một số đối tượng khác giả danh cán bộ đang công tác tại các Cơ quan Tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án).

Lúc này, các đối tượng thông báo người bị hại liên quan đến án đặc biệt nghiêm trọng đang điều tra, nếu không thực hiện đúng theo yêu cầu của chúng đưa ra sẽ bị khởi tố bị can, bắt tạm giam làm người dân hoang mang lo sợ, từ đó cung cấp thông tin cá nhân chuyển tài sản cho các đối tượng. Đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định, cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng hoặc hướng dẫn bị hại tải ứng dụng giả mạo và truy cập vào đường link có mã độc, để cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với vỏ bọc xác minh, điều tra. Sau đó, đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của bị hại và chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội CSHS, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, mới đây đơn vị vừa bắt ổ nhóm đối tượng chuyên sử dụng sim rác, tài khoản ngân hàng “ảo” để lừa đảo những người có nhu cầu vay tiền. Các đối tượng giả danh là nhân viên ngân hàng, có thể giúp những người có nhu cầu vay tiền làm hồ sơ vay vốn ngân hàng. Để vay được tiền, chúng vẽ ra nhiều thủ tục và yêu cầu người vay phải có số tiền “đối ứng”, chứng minh “tín chấp”, bằng cách chuyển vào tài khoản do chúng chỉ định. Sau khi lấy được tiền, các đối tượng hủy sim điện thoại, lặn mất tăm và tiếp tục tìm kiếm “con mồi” mới.

“Tội phạm lừa đảo công nghệ cao là tội phạm ẩn, không tiếp xúc. Chính vì vậy, nếu liên quan đến tiền, vay mượn, chuyển khoản, người dân cần hết sức cảnh giác. Trong những trường hợp này, hãy xác minh, gặp gỡ trực tiếp, thông báo ngay cho cơ quan Công an để tránh bị sa vào bẫy lừa của các đối tượng”- Trung tá Tống Đăng Công khuyến cáo.
Nguồn báo cand.com.vn

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang