Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Tư tưởng bàn lùi và những ngụy biện (bài 1)
Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ “cản trở sự phát triển”... Đó là thông điệp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Khóa XIII.
Khẳng định những kết quả đạt được về phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua là rất quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý thời gian tới cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. “Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng “nhìn gà hóa quốc”; “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Thực tiễn, với sự quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm bất kể là ai, ở cương vị nào đã cho thấy quan điểm nhất quán của Đảng giữa nói và làm, giữa việc ban hành nghị quyết, chỉ thị với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, từ đó tạo ra sự cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa chung rất hiệu quả. Tuy nhiên, gần đây trong dư luận xuất hiện những luồng quan điểm có xu hướng sai lệch với sự chỉ đạo nhất quán trên. Đó là những ý kiến cho rằng, thời gian qua, chúng ta xử lý tham nhũng, tiêu cực “quá mạnh tay”, “bắt bớ quá nhiều”, tạo ra sự lo ngại, trì trệ trong công tác và lao động, sản xuất. Đã xảy ra hiện tượng một số cơ quan, đơn vị chùn tay, không dám làm vì sợ trách nhiệm, thậm chí đùn đẩy, né tránh khi phải xem xét, ký kết các văn bản, kế hoạch, hợp đồng tài chính, các văn bản liên quan đến đấu thầu.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải loại bỏ tư tưởng bàn lùi trong đấu tranh chống tham nhũng.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải loại bỏ tư tưởng bàn lùi trong đấu tranh chống tham nhũng.


Đặc biệt, nhiều người lấy lý do vụ Việt Á, vụ “chuyến bay giải cứu” có số lượng bị can lớn, liên quan nhiều cơ quan, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương nên họ lý lẽ rằng, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực là do cơ chế, do chính sách nên rơi vào hoàn cảnh đó “ai đen thì chịu” và “muốn tránh cũng khó”! Từ đó, có xu hướng quy cho việc chúng ta đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực, kỷ luật, bắt giam, xét xử nhiều là nguyên nhân dẫn tới cán bộ, đảng viên, công chức lo lắng, không dám làm, dẫn đến sản xuất có dấu hiệu đình trệ, tư tưởng làm việc cầm chừng, nghe ngóng... Họ viện dẫn thực tế nhiều nơi cán bộ đùn đẩy, không dám ký, không dám quyết để quy do hệ quả cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó lên tiếng “cần xem xét lại”, đồng thời kiến nghị “nên tạm dừng chống tham nhũng, bắt bớ để tập trung phát triển kinh tế, tăng cường nguồn lực lao động, sản xuất”.

Những quan điểm trên là không đúng với chủ trương, tinh thần của Đảng, được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) là: Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt... Việc chống tham nhũng vừa phải kiên quyết, vừa kiên trì, làm thường xuyên, bài bản chứ không có khái niệm làm cầm chừng hay “làm thế đủ rồi”, “bắt thế nhiều rồi”, từ đó đưa ra lý lẽ nên dừng lại, nên khoanh lại chống tham nhũng để tập trung phát triển kinh tế. Cần thấy rằng, những ai có tư tưởng bàn lùi, quy cho chống tham nhũng sẽ làm chậm phát triển, làm đình trệ kinh tế là kiểu tư duy ngược, coi lợi ích kinh tế hơn nguy cơ suy thoái chính trị, tư tưởng, coi lợi nhuận, đồng tiền hơn tư tưởng, đạo đức... thì đó chính là những mầm mống gây hại cho cuộc chiến chống “giặc nội xâm” vốn rất phức tạp, gian nan.

Nhìn nhận khách quan, tham nhũng có những nguyên nhân do cơ chế, chính sách pháp luật còn sơ hở, lỏng lẻo, có những quy định bị lợi dụng. Cũng có những nguyên nhân mang tính bối cảnh, môi trường. Chẳng hạn, trong vụ “chuyến bay giải cứu” hay vụ kit test Việt Á, khi sai phạm xảy ra từ chính một số lãnh đạo bộ, ngành ở Trung ương, lại thể hiện tính tổ chức, cấu kết chặt chẽ, chỉ đạo cấp dưới thực hiện khiến nhiều cơ sở y tế các địa phương bị kéo vào “vòng xoáy” và giám đốc nhiều CDC đã coi việc cầm “tiền lại quả” khi mua kit test như một món “hoa hồng” thông thường khi mua hàng hóa. Nghĩa là họ coi việc vi phạm luật pháp, lấy đồng tiền phi pháp thành chuyện nhận lại quả như một sự hiển nhiên. Đấy là điều nguy hại, bởi khi nhiều người coi việc đưa, nhận hối lộ là bình thường thì tạo ra thông lệ xấu, trở thành luật bất thành văn, lẽ ra phải đấu tranh, chống việc đưa và nhận hối lộ thì họ lại coi đó như một khâu cần phải có để đảm bảo lợi ích cho cả bên đưa và bên nhận. Và, suy cho cùng, dù có những bối cảnh, nguyên nhân khách quan tác động khi thực hiện hành vi tội phạm thì nguyên nhân chính vẫn là ở con người. Việc điều tra, xử lý nghiêm vụ án kit test Việt Á, vụ “chuyến bay giải cứu”, ngoài xử lý các cá nhân cụ thể thì điều quan trọng hơn là chúng ta ngăn chặn chuỗi hành vi vừa vi phạm đạo đức, vừa vi phạm pháp luật, không để nó “sống bám” như những tác nhân gây hại mà không bị luật pháp sờ tới, sẽ sinh sôi nảy nở gấp bội. Từ đó, tạo bài học cảnh tỉnh, răn đe lớn trong xã hội, thức tỉnh các cơ quan, cá nhân, tổ chức khác biết sợ mà dừng, mà quay lại lề lối làm việc chuẩn chỉ. Răn đe để chính họ tránh những đồng tiền không trong sáng, ngăn ngừa động cơ làm vì tiền để khái niệm thực thi công việc “vì dân” được thực chất hơn.

Thực tiễn cũng cho thấy, có những vụ tham nhũng, tiêu cực xảy ra như khối ung nhọt hết sức nguy hiểm, lại nằm ở nhóm cán bộ cấp cao của địa phương, nếu không được khui ra chữa trị thì ngoài việc tiền, tài sản nhà nước bị đục khoét, sự bức xúc trong dân chúng là rất lớn. Xem diễn biến vụ án xảy ra tại tỉnh Lào Cai liên quan nhiều cán bộ, từ nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh đến các đồng phạm cho thấy rõ sự nguy hại của những khối ung nhọt này. Mới đây, ngày 18/5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với bị can Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; bị can Doãn Văn Hưởng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 3, Điều 281, Bộ luật Hình sự.

Trước đó, Ngày 8/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Vịnh, Doãn Văn Hưởng và các trường hợp: Nguyễn Thanh Dương, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Lê Ngọc Hưng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Công thương Lào Cai; Mai Đình Định, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Lào Cai, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai... Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy, các ông Nguyễn Văn Vịnh, Doãn Văn Hưởng, Nguyễn Thanh Dương, Lê Ngọc Hưng, Mai Đình Định đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, bị xử lý hình sự. Vi phạm trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thiệt hại, thất thoát rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương. Đến ngày 15/5, tại Hội nghị lần thứ 7 (Hội nghị giữa nhiệm kỳ) Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Văn Vịnh.

Liên quan các sai phạm này, tháng 8/2021, Công an tỉnh Lào Cai ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" xảy ra tại Công ty Apatit Việt Nam và Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama (gọi tắt là Công ty Lilama). Sau gần 2 năm điều tra, tính đến nay, cơ quan tố tụng đã khởi tố tổng cộng 15 bị can, trong đó có nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh. Chỉ trong gần 3 năm, số quặng apatit mà Công ty Lilama khai thác lên tới hơn 1,5 triệu tấn, trị giá hơn 610 tỉ đồng. Để Công ty Lilama ngang nhiên khai thác trái phép hàng triệu tấn quặng apatit, cơ quan tố tụng xác định có trách nhiệm của UBND tỉnh Lào Cai và các sở, ban, ngành địa phương này.

Như vậy, sai phạm làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên quốc gia có sự câu kết của cả nhóm lợi ích, trong đó có chính Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai. Tài sản nhà nước bị đục khoét, bị ém vào túi tư nhân mà người lãnh đạo địa phương chẳng những không ra tay ngăn chặn, xử lý mà lại cấu kết để trục lợi, làm giàu bất chính. Sự cấu kết phạm pháp đó khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương hết sức bức xúc, bất bình. Vụ việc nghiêm trọng như thế, lòng dân bức xúc như thế, tất phải bị xử lý nghiêm minh, làm sao có thể chấp nhận tư tưởng hùa theo quan điểm “dừng lại”, “bắt thế đủ rồi”?

(Còn nữa)
Đăng Trường - cand.com.vn

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang