Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2020): Sáng mãi phẩm chất người thầy
Toàn ngành GD-ĐT Đồng Nai hiện có trên 32 ngàn giáo viên công tác ở các bậc học từ mầm non đến đại học. Đội ngũ nhà giáo đã và đang ngày đêm miệt mài đưa những chuyến đò thầm lặng chở học trò qua sông đến với bến bờ tri thức, trở thành những con người có ích, góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Cô Nguyễn Thị Hương, Tổ trưởng tổ chuyên môn Sử - Địa Trường THPT Trị An (H.Vĩnh Cửu) được tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2020. Ảnh: CTV
Cô Nguyễn Thị Hương, Tổ trưởng tổ chuyên môn Sử - Địa Trường THPT Trị An (H.Vĩnh Cửu) được tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2020. Ảnh: CTV

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ chia sẻ: “Dù cuộc sống của nhiều thầy cô, nhất là những thầy cô ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn, thế nhưng tình yêu nghề vẫn tiếp tục là động lực để các thầy cô cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người. Ngành GD-ĐT luôn ghi nhận và sẽ tạo điều kiện nhiều hơn nữa để thầy cô có điều kiện nâng cao trình độ, cải thiện môi trường dạy và học, tăng thêm thu nhập”.
* Thầm lặng vì học trò
Cô Nguyễn Thị Ánh Hồng là một giáo viên có thâm niên công tác tại Trường tiểu học Liên Sơn, một ngôi trường nằm ở xã vùng sâu, vùng xa của xã Thanh Sơn, H.Định Quán. Cô Hồng cho biết, mỗi ngày cô phải thức dậy từ 5 giờ sáng để đi từ nhà ở Đội sản xuất số 2, xã Gia Canh vào trường trên quãng đường dài cho kịp giờ vào lớp. 2 năm nay, đường đến trường của cô Hồng đỡ vất vả hơn nhờ có cây cầu Thanh Sơn thay cho những chuyến phà.
Chia sẻ về hành trình kiên trì bám nghề của mình, cô Hồng cho biết: “Vì đã trót yêu nghề rồi nên không thể bỏ vì bất cứ lý do gì. Dù có vất vả nhưng tôi cảm thấy đó cũng là hạnh phúc riêng của mình vì đã góp phần “gieo” những con chữ cho học trò ở xã vùng sâu, vùng xa này”.
Một buổi học của cô và trò Trường THPT Trịnh Hoài Đức (H.Trảng Bom). Ảnh:C. Nghĩa
Một buổi học của cô và trò Trường THPT Trịnh Hoài Đức (H.Trảng Bom). Ảnh:C. Nghĩa

Còn thầy Mai Văn Sáu đã có 13 năm công tác tại Trường tiểu học Nguyễn Huệ (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc). Nói về tình yêu với nghề giáo, thầy Sáu chia sẻ: “Nghề giáo đã chọn tôi, một nghề không thể giúp mình giàu có về vật chất nhưng lại luôn thoải mái về tinh thần. Thật hạnh phúc khi mỗi ngày đến trường tôi đều tìm được niềm vui từ công việc, từ trong mỗi ánh mắt và nụ cười của học sinh”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, trong mọi hoàn cảnh của đời sống, đội ngũ nhà giáo của tỉnh vẫn giữ vững tâm huyết, tận tụy và trách nhiệm với nghề. Ngành GD-ĐT sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn về mặt cơ chế, chính sách để giáo viên an tâm công tác, đồng thời tạo mọi điều kiện để giáo viên đạt chuẩn về trình độ, không ngừng cập nhật thêm kiến thức mới, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Thầy Sáu cho biết, xã Xuân Phú có khá nhiều học sinh người dân tộc thiểu số, muốn các em đến trường chăm chỉ học tập, giáo viên phải luôn cố gắng tạo ra môi trường học tập tốt, quan tâm đến từng em, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngày khai giảng hoặc lễ tết, mỗi giáo viên cố gắng đi vận động nhà hảo tâm tặng chiếc cặp, vài cuốn tập mới hay món quà nhỏ nhằm động viên tinh thần, giúp các em an tâm học tập.
Cô Vũ Thị Ngoan, giáo viên có hơn 15 năm công tác tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh (Sở GD-ĐT) cho biết, học sinh của trung tâm đều bị một trong các khuyết tật như: khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển. Đa phần các em được gửi nội trú tại trung tâm, nhiều em cả tháng mới được cha mẹ đón về một lần. Chính vì vậy, thầy cô chính là những người thay cha mẹ dạy bảo, chăm sóc các em ngày đêm.
“Nếu chỉ nghĩ đến thu nhập thì có lẽ chúng tôi khó bám trụ được với công việc này. Thứ giữ chân bền bỉ chúng tôi ở lại và gắn bó chính là tình thương dành các em như dành cho chính con ruột của mình” - cô Ngoan bộc bạch.
* Thêm trân quý nghề cao quý
Với cô Nguyễn Thị Hương, Tổ trưởng tổ chuyên môn Sử - Địa Trường THPT Trị An (H.Vĩnh Cửu), Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay trở nên rất đặc biệt. Cô Hương mới trở về từ thủ đô Hà Nội sau khi tham dự lễ tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức, đồng thời được giao lưu với gần 200 nhà giáo tiêu biểu khác trên cả nước trong chương trình Thay lời tri ân hạnh phúc.
Cô Hương tâm sự: “Mỗi giáo viên đều có niềm tự hào về nghề mình đã chọn, bởi nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Chúng tôi không bao giờ đòi hỏi học sinh phải mang ơn mình nhưng luôn tự hào vì đã giúp cho rất nhiều thế hệ học sinh trưởng thành. Có nhiều thế hệ học sinh đi qua, chúng tôi không thể nhớ mặt được hết nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc vì nhiều em vẫn nhớ đến mình”.
Một buổi học của cô và trò Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa). Ảnh:C. Nghĩa
Một buổi học của cô và trò Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa). Ảnh:C. Nghĩa

Thầy Đậu Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thành (H.Long Thành) hạnh phúc chia sẻ: “Ngày 20-11 là một trong những ngày được những nhà giáo chúng tôi chờ đợi nhất trong năm với một tâm trạng hạnh phúc khó tả. Nghĩ đến ngày này, chúng tôi cảm thấy yêu nghề và gắn bó hơn với nghề giáo mà mình đã chọn. Có những niềm vui nhỏ nhưng khó nói hết thành lời khi có những học trò cứ đến ngày 20-11 lại tìm về với thầy cô, trò vẫn nhận ra thầy nhưng thầy thì không thể nhớ mặt, nhớ tên trò cho đến khi phải “lục lại” ký ức”.
Là một người trưởng thành từ mái Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa), bà Phạm Thị Thu, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Đồng Nai không khỏi tự hào khi nhắc về những người thầy, người cô tận tụy đã dìu dắt mình, cho mình những kiến thức và sự hiểu biết để trở thành người có ích. Bà Thu chia sẻ, có những điều trên đời này không thể quên, càng không thể không mang ơn, đó chính là thầy cô của mình. Từ suy nghĩ này, hằng năm vào dịp lễ, đặc biệt là ngày 20-11, bà Thu cùng những bạn học của mình vẫn dành thời gian để đến thăm lại thầy cô.
“Mỗi lần gặp lại thầy cô tôi như trẻ lại. Nhớ lời dặn dò của thầy cô, tôi cố gắng sống có trách nhiệm hơn và làm việc hết mình vì đất nước như thầy cô đã cặn dặn những năm tháng tuổi học trò” - bà Thu nói.
* Chăm lo tốt hơn cho giáo viên
Trường THPT Ngô Sĩ Liên (H.Trảng Bom) hiện có trên 70 giáo viên, so với 5 năm trước thì trình độ giáo viên của trường đã được nâng lên rõ nét. Thầy Nguyễn Ngọc Oánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 5 giáo viên có trình độ thạc sĩ, 3 giáo viên khác đang tiếp tục được tạo điều kiện đi học thạc sĩ. Sắp tới còn nhiều giáo viên khác được nhà trường xem xét tạo điều kiện học cao học để trở về góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của trường. Về đời sống của giáo viên, đa số có đời sống khá, không có giáo viên nào gặp hoàn cảnh khó khăn.
Cô Đỗ Thị Kim Dung, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh trong giờ học. Ảnh:N. Sơn
Cô Đỗ Thị Kim Dung, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh trong giờ học. Ảnh:N. Sơn

Trường THPT Ngô Sĩ Liên còn cải thiện điều kiện dạy và học cho giáo viên bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại từ công tác quản lý cho đến giảng dạy. Hiện Trường THPT Ngô Sĩ Liên đã triển khai hệ thống quản lý dạy và học trực tuyến, giáo viên và học sinh có thể tương tác ở mọi nơi, nhờ đó chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng cao.
Trong khi đó, Trưởng phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc Thân Anh Thiết cho biết, Xuân Lộc là huyện miền núi của tỉnh nhưng lại là một trong những địa phương dẫn đầu cả tỉnh về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở các bậc học từ mầm non đến THPT. Có được thành quả đó chính là nhờ việc chăm lo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, đảm bảo đời sống giáo viên ngày một tốt hơn, từ đó giáo viên an tâm công tác. Trong điều kiện dạy và học mới, đòi hỏi sự nỗ lực đổi mới của giáo viên nhiều hơn, chính vì vậy huyện sẽ tiếp tục tham mưu để có thêm các chính sách hỗ trợ giáo viên tiếp tục nâng cao trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn ở các bậc học, trong đó đòi hỏi giáo viên không chỉ chuẩn về kiến thức chuyên môn mà còn phải chuẩn cả về kỹ năng. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện trong hiện tại và cả tương lai.
Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết, đội ngũ nhà giáo trên địa bàn TP.Biên Hòa chiếm số lượng đông nhất cả tỉnh. Trong thời buổi kinh tế thị trường, thu nhập của đội ngũ nhà giáo còn chưa theo kịp với đời sống, tuy nhiên không vì thế mà đội ngũ này xa rời sứ mệnh của người thầy. Ngành Giáo dục thành phố vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh phong trào dạy tốt học tốt, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức để học sinh noi theo.
Công Nghĩa(baodongnai.com.vn)

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang