Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây

Giới thiệu chung

CÔNG AN ĐỒNG NAI
​QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH
 
Những ngày cuối tháng 8.1945, trước thời cơ ngàn năm có một, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa đã họp bàn và quyết định “Phát động nhân dân tiến hành khởi nghĩa vào sáng 26.8.1945”. Tại cuộc họp ngày 23.8.1945, đồng chí Ngô Hà Thành được phân công giữ chức Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh. Mốc son khai sinh một lực lượng vũ trang chuyên chính của Đảng - lực lượng Công an Đồng Nai chính thức được ra đời.
 
Vừa ra đời, cán bộ, chiến sỹ Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa - tổ chức tiền thân của Công an Đồng Nai ngày nay đã phải đảm đương ngay nhiệm vụ: Bảo vệ Ủy ban khởi nghĩa; bảo vệ cuộc khởi nghĩa của nhân dân; cùng nhân dân vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền, lập chính quyền mới - Chính quyền dân chủ nhân dân trong điều kiện vũ khí chỉ có một cây súng sáu và một kiếm Nhật.
 
Được quần chúng giúp đỡ, Quốc gia tự vệ cuộc Biên hòa đã tập kích vào hang ổ một số tay sai địch âm mưu đảo chính, lật đổ chính quyền cách mạng tỉnh, bắt tên cầm đầu Nguyễn Tiến Đạt, một công chức của chính quyền địch và 26 tên. Đập tan mưu đồ đen tối của bọn tay sai địch. Chiến công xuất sắc của cán bộ, chiến sỹ Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa đã củng cố niềm tin của quần chúng vào sự vững bền, trường tồn của chế độ mới - chế độ dân chủ nhân dân.
 
Tháng 10.1945, sau hơn một tháng cầm chân địch, mặt trận Sài Gòn thất thủ. Biên Hòa trở thành một hướng rút quân của các lực lượng cách mạng, và ngược lại, Biên Hòa cũng là một hướng tháo chạy của bọn cơ hội chính trị và những toán thổ phỉ.
 
 Nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng; bảo vệ bộ máy lãnh đạo kháng chiến; bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của Xứ ủy, của Trung ương... di chuyển ra Bắc qua Biên Hòa; tổ chức lại lực lượng để chuẩn bị kháng chiến.v.v... của Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa vô cùng khẩn trương và nặng nề. Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa đã tiến hành dời chuyển phạm nhân và Trại giam ra khỏi nội ô; phân chia cán bộ, chiến sỹ ra thành nhiều nhóm nhỏ để làm nhiệm vụ.
 
Đồng chí Lê Nguyên Đạt chỉ huy một nhóm cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ dời chuyển phạm nhân và Trại giam về Long Thành. Những cán bộ, nhân viên còn lại được chia ra thành nhiều nhóm nhỏ, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Hà Thành, Trần Minh Trí, Hồ Văn Đại, Phạm Văn Thuận, Nguyễn Văn Ký... rút ra vùng Bình Hòa, Thạnh Phú, Tân Mai, Bình Đa, Trảng Bom và các xã vùng ven của huyện Tân Uyên (nay thuộc tỉnh Bình Dương) tạo thành thế vòng cung bao quanh thị xã để làm nhiệm vụ kìm chân địch, vận động nhân dân tiêu thổ kháng chiến và giữ liên lạc với Quốc gia tự vệ cuộc Nam bộ.
 
 Ngày 24.10.1945, Pháp nổ súng tái chiếm Biên Hòa. Cùng với quân Pháp, các toán ô hợp của Đệ nhị, Đệ tam sư đoàn cộng hòa vệ binh, của Bình Xuyên lộ rõ bộ mặt phản động khi rút chạy qua Biên Hòa.
 
Trừng trị những toán thổ phỉ là nhiệm vụ bức xúc hàng đầu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ bác Tôn di chuyển ra Bắc an toàn, Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa đã tiến hành vây bắt, triệt phá, làm tan rã 2 toán thổ phỉ , bắt bọn cầm đầu đưa đi xử lý.
 
Tháng 11.1945, thực dân Pháp đưa bọn tay sai cũ ra lập tề; tổ chức đóng bót để kiểm soát thị xã Biên Hoà. Thực hiện nhiệm vụ ngăn cản địch lập tề; gây tiếng nổ trong nội ô để cầm chân địch và khích lệ tinh thần kháng chiến của nhân dân, các đồng chí Hồ Văn Đại, Nguyễn Văn Ký, Phạm Văn Thuận đã tập hợp 25 em thiếu niên của Hộ 7, lập “Đội thiếu niên xung phong cảm tử”để  đánh địch.
 
Thông thạo địa hình, các đội viên của Đội  đã dùng dao găm, lựu đạn trừng trị nhiều tên mật thám, tay sai địch giữa ban ngày, ngay giữa nội ô, khiến địch thất điên, bát đảo. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều cán bộ, chiến sỹ Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa đã ngã xuống. Có người bị địch trả thù hèn mạt, bắt cóc đưa đi thủ tiêu mất tích như đồng chí Đỗ Hữu Phú, Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc huyện Long Thành; có người bị bọn thổ phỉ Hoàng Cao Nhã bắt cóc, tra khảo để tống tiền; có người bị giặc sát hại, đem phơi xác giữa chợ như các em Phát, Nổi; hoặc hy sinh oanh liệt như Sáu Thẹo; hoặc bị địch bắt cầm tù, giam cho đến đủ 18 tuổi để tuyên án tử hình như Lữ Mành.v.v... Song các hành động dã man của chúng vẫn không làm nhụt ý chí kháng chiến của cán bộ, chiến sỹ Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa, mà ngược lại những gương hy sinh oanh liệt đó, lại làm nên những mốc son chói lọi, khích lệ tinh thần quyết tâm kháng chiến của họ.
 
Tháng 4.1946, tiếp thu chỉ đạo của Xứ ủy tại Hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh, tổ chức Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa được củng cố lại và chính thức đổi tên thành Ty Công an Biên Hòa. Lực lượng Quốc vệ đội và Văn phòng Ty được thành lập. Đây là thời kỳ Ty Công an Biên Hòa hoàn thiện về mặt tổ chức và đã góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ sự đoàn kết kháng chiến của tỉnh, ngăn chặn kịp thời âm mưu phá hoại kháng chiến của bọn phản động lợi dụng tôn giáo và các đảng phái phản động.
 
Bước sang năm 1947, được sự chỉ đạo của Sở Công an Nam bộ, tổ chức Ty Công an Biên Hòa đã hoàn thiện đến cấp xã. Lực lượng Quốc vệ đội cũng tổ chức được một số trận phục kích nhỏ, lẻ. Nhu cầu vũ khí trang bị cho lực lượng đánh giặc trở nên bức thiết, lãnh đạo Ty quyết định thành lập Công an Xưởng.
 
Bằng ý chí và tinh thần yêu nước, Công an Xưởng Biên Hòa đi lên từ làm đạn Rechar, rèn dao găm, đến sản xuất lựu đạn vỏ đồng, tiến tới sản xuất lựu đạn mini vỏ gang và chế tạo thành công súng ngắn 9 ly trang bị cho lực lượng đánh giặc. Công an Xưởng Biên Hòa được phòng Quân giới Nam bộ công nhận và cho mang phân hiệu số 13 trong hệ thống Công an Xưởng Nam bộ.
 
Đầu năm 1948, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ty Công an Biên Hòa chuyển căn cứ về Chiến khu Đ để làm nhiệm vụ bảo vệ Tỉnh ủy, Ủy ban và các đoàn thể kháng chiến. Lực lượng Quốc vệ đội của Ty được lệnh bám sát vùng ven thị xã làm nhiệm vụ chống càn, đánh giao thông, công phá đồn bót, trại lính, tháp canh của địch, hỗ trợ cho lực lượng Công an Xung phong luồn sâu vào vùng địch hậu để diệt ác, phá tề, phá chính quyền địch.
 
Vừa tham gia đội hình liên quân đánh giao thông địch, chống càn bảo vệ căn cứ, cán bộ, chiến sỹ Công an Biên Hòa còn đẩy mạnh các hoạt động phá tề, phá chính quyền địch; chống chiến tranh do thám, gián điệp của địch. Các vụ án địch cài nội gián vào căn cứ kháng chiến của huyện Long Thành; vào Phòng Trinh sát của Ty; vào Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ; hay các vụ tuyên truyền phá hoại kháng chiến tại chiến khu Đ của Ban ca kịch thanh niên Bảo quốc đoàn; của bọn phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa ở hai họ đạo Tân Triều và Bến Gỗ; của bọn bất mãn với kháng chiến, chui vào Huyện bộ Đảng Dân Chủ huyện Long Thành... lần lượt bị Công an Biên Hòa lôi ra ánh sáng. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều cán bộ, chiến sỹ của Ty Công an Biên Hòa đã xả thân vì sự nghiệp kháng chiến của dân tộc. Tiêu biểu là các đồng chí Đỗ Văn Thi, chỉ huy Quốc vệ đội; Nguyễn Kim Huy (Ba Huy), cán bộ Công an Xung phong huyện Long Thành; Nguyễn Văn Nửa (Bảy Nửa) chỉ huy Phân đội 2 Quốc vệ đội. Chỉ riêng Ba Huy, một mình vừa bắt, vừa diệt, vừa làm tan rã cả trăm tên tề, điệp ngầm cùng hàng chục ban tề xã, ấp của địch. Có đêm, một mình Ba Huy lọt qua 2 bót giặc, lần lượt bắt, thu súng và giải về căn cứ 6 tên tề ấp, tề xã của xã Mỹ Hội.
 
Tháng 5.1951, nhằm đối phó với âm mưu chia cắt để đánh phá của giặc, Trung ương cục quyết định tổ chức lại chiến trường, Ty Công an Biên Hòa và Thủ Dầu Một được sáp nhập thành Ty Công an Thủ Biên.
 
Củng cố tổ chức thật gọn, nhẹ, phù hợp với chiến trường du kích; đoàn kết kháng chiến đã trở thành nhiệm vụ sống còn của Ty Công an Thủ Biên. Ty tiến hành giảm chính. Toàn Ty chỉ còn 401 người là những cán bộ nhân viên có sức khoẻ tốt, năng lực chuyên môn khá, được bố trí thành 5 ban và 10 Công an huyện, thị xã để làm nhiệm vụ.
 
Cơ cấu tổ chức gọn, nhẹ, đáp ứng được đòi hỏi của chiến trường, Ty Công an Thủ Biên đã phát động phong trào “Thi đua giết giặc lập công” “Thi đua lập công mừng thọ Hồ Chủ Tịch” và đẩy mạnh vận động quần chúng thực hiện công tác phòng gian, phòng gián... và đã thu được nhiều kết quả. Ngày 16.6.1951, Công an huyện Vĩnh Cửu phối hợp với Bộ đội tỉnh, tấn công bót Long Điềm (nay thuộc xã Phước Tân - thành phố Biên Hòa), khai thông tuyến đường giao thông 15 từ Chiến khu Bình Đa và Chiến khu Đ về Long Thành; chặn đứng âm mưu uy hiếp, lấn chiếm Chiến khu Bình Đa của giặc. Ngày 20.7.1951, Công an huyện Vĩnh Cửu và Xuân Lộc phối hợp với Bộ đội, công đồn Trảng Bom, diệt và bắt sống gần 200 tên giặc, thu trên 200 súng các loại; 10 tấn đạn các loại và 05 triệu đồng tiền Đông Dương. Trong trận này, Công an Thủ Biên, mà khởi điểm là Ty Công an Biên Hòa đã làm tốt công  tác  tình báo trong đồn giặc từ giữa năm 1950; phục vụ tin tức kịp thời cho Ban chỉ huy trận đánh.
 
Công tác phát động phong trào phòng gian, phòng gián trong vùng căn cứ và vùng du kích cũng được đẩy mạnh và  được  quần  chúng  tích cực  hưởng ứng, đã chặn đứng được âm mưu tung gián điệp, biệt kích vào vùng căn cứ, vùng du kích để phá hoại kháng chiến của địch. Tháng 9.1951, Ty tổ chức khám phá vụ án Mai Văn Hạo - Phó Bí thư Tỉnh Đảng bộ đảng Dân Chủ làm tình báo cho giặc. Chỉ riêng năm 1951, Công an Thủ Biên bắt 47 tên do thám, gián điệp; trong đó nổi bật là Công an huyện Vĩnh Cửu đã bắt, trừng trị 7 tên do thám, gián điệp của địch ở các đồn Bến Gỗ, Tân Thành, Trảng Bom, Tân Hiệp, Cây Đào, An Hoà và bọn Phòng nhì Tiểu khu Biên Hòa đánh ra vùng căn cứ của ta. Công an huyện Long Thành bắt 3 tên.
 
Trong vùng tạm chiếm, các chiến sỹ Công an Xung phong của Thị xã Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Thủ Đức... đã vào tận hang ổ kẻ thù diệt những tên tề, ngụy nguy hiểm nhất. Dẫn đầu trong đợt thi đua “Lập công mừng thọ Hồ Chủ Tịch” là các chiến sỹ Công an Thị xã Biên Hòa. Năm 1951, ta tiêu diệt lần lượt các tên Mạ, Trưởng đồn Tân Vạn; Huệ, Hương quản ấp Bến Gỗ; Hương quản Tiếng; Hương quản Chạ, tề xã Bình Trước (nay là thành phố Biên Hòa); có tên bị diệt giữa ban ngày, ngay tại nhà của y như Hương quản Tiếng, Chủ tịch Hội đồng tề xã Bình Trước, khiến hệ thống chính quyền địch rung động. Năm 1952, các tên Thảo, Lập, Chủ, mật thám liên bang (S.F.H.C); Thị Én, mật thám cho bọn tình báo sân bay Biên Hòa; Biện, Chủ tịch xã Tam Long phản bội; Đội Thiệu, mật thám bót Cây Đào tiếp tục đền tội.
 
Vừa tiến hành diệt bọn tình báo, gián điệp, Công an Thị xã Biên Hòa vừa tiến hành liên quân đánh giao thông địch; vừa tổ chức các trận đánh chớp nhoáng trong lòng thị xã để tiêu hao sinh lực địch. Tiêu biểu cho các trận đánh trên là 3 trận đánh vào đêm 8.3.1952 phá cuộc mít tinh mừng lễ độc lập giả hiệu của “Bảo Đại” tại Rạp hát, diệt 2 tên, làm bị thương 5 tên; là trận đánh trưa ngày 14.5.1952 vào bọn lính vừa đi càn quét về, tổ chức ăn nhậu tại Bến xe Thành Xăng Đá, diệt 5 tên, làm bị thương 6 tên; và đặc biệt là trận đánh phối hợp với biệt động tỉnh, đốt cháy 10 triệu lít xăng của địch ở giữa nội ô thị xã Biên Hòa vào đêm 26.4.1952; kho xăng lớn nhất nhì của địch tại Biên Hòa đã bị thiêu rụi.
 
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về tăng gia tự túc lương thực, cuối năm 1952, đầu năm 1953, Công an Thủ Biên đã mở hàng loạt các nông trường ở Hàng Dầu; Suối Tre; Cây Dâu; Bàu Minh... để trồng lúa, tỉa bắp, trồng mì... Bằng nghị lực của cán bộ, chiến sỹ, giữa năm 1953, Công an Thủ Biên đã vượt qua được nạn đói, tiến tới hoàn toàn tự túc về lương thực; tự nguyện nhường phần lương thực tiêu chuẩn để Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh cấp cho đơn vị khác.
 
Khó khăn về lương thực đã được giải quyết, giữa năm 1953, Công an Thủ Biên tiến hành củng cố lại lực lượng, mà trước mắt là khắc phục sai lầm giải tán lực lượng Công an của một số cấp ủy các xã du kích hai huyện Vĩnh Cửu và Thủ Đức. Các Ban Công an xã bị giải tán được Ty củng cố lại. Trong vùng địch hậu, các Ban Công an xã được xây mới hoặc được tổ chức lồng trong các Đội Vũ trang tuyên truyền, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy để tiếp tục kháng chiến. Ở Ty, các tổ, đội như Công an Xưởng; Đội Giao liên; Đội Điều tra, Trật tự... được củng cố lại. Chính nhờ hướng tổ chức này, công tác chỉ huy, chỉ đạo của Ty đã thông suốt đến các xã; phong trào kháng chiến của Ty được xốc lại, và đã lập nhiều chiến công, trong đó chiến công tiêu biểu nhất là ngày 19.6.1953, Ty đã phối hợp với Công an tỉnh Sa Đéc, giải thoát 1 Đại đội lính Hoà Hảo phản chiến đóng tại đồn Gò Lũy, đưa 80 lính phản chiến cùng hơn 100 súng các loại về với cách mạng.
 
Đầu năm 1954, địch lại tăng cường chiến tranh biệt kích, gián điệp. Tại Long Thành, đội biệt kích đồ đen của Suy A Cốt đã gây cho ta nhiều thiệt hại. Chiến tranh tâm lý kết hợp với chiêu hồi, chiêu hàng cũng được địch đẩy cao. Tại Thủ Biên, nhiều người mắc mưu địch, rời hàng ngũ kháng chiến về thành.
 
Chống lại âm mưu giặc, Công an Thủ Biên đẩy mạnh, tuyên truyền phong trào “Bảo mật phòng gian”; tuyên truyền chiến thắng ở Việt Bắc... ở khắp 3 vùng chiến lược để khích lệ tinh thần kháng chiến của nhân dân.
Ngày 7.4.1954, đại đội biệt kích đồ đen của Suy A Cốt bị quân dân huyện Long Thành tiêu diệt.  Tin chiến thắng làm  nức lòng cán bộ, chiến  sỹ. Tiếp đó, ngày 7.5.1954, tin tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ bị ta tiêu diệt, càng cổ vũ tinh thần hăng say kháng chiến của cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ Biên.
 
Cuối tháng 7.1954, giữa lúc cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ Biên đang hăng say cống hiến sức lực cho kháng chiến thì có lệnh ngưng tất cả các công tác; tập trung về Chiến khu Đ, chuẩn bị tập kết ra Bắc. Kể từ đây, cán bộ chiến sỹ Công an Thủ Biên, tiền thân của lực lượng Công an Đồng Nai ngày nay lại bước vào cuộc chiến đấu mới - Chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.
 
Ngày 15.8.1954, tại Nhà Nai - Chiến khu Đ, sau lễ mít tinh mừng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, tuyệt đại cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ Biên được tập kết ra Bắc.
 
*
*                  *
 
Bám vào các cơ sở cách mạng, cán bộ, chiến sỹ Công an Biên hòa đã xây dựng được nhiều cơ sở nội tuyến nằm trong Sư đoàn 7 bộ binh của địch đóng tại Tam Hiệp; Sư đoàn 4 dã chiến của địch đóng tại Bình Đa, Tân Vạn. Ở các huyện Long Thành, Vĩnh Cửu... nhiều đảng viên, cơ sở cách mạng của ta đã lọt vào được các cơ quan, chính quyền cấp xã của địch, có người giữ chức Ủy viên trưởng Cảnh sát xã;  có người giữ chức Chủ tịch Hội đồng hành chính xã; có người leo lên chức Đại đội trưởng Đại đội bộ binh, Sư đoàn 7 ngụy. Chính những cơ sở điệp báo này đã làm nhiệm vụ địch tình, phục vụ cấp Uỷ có đối sách kịp thời trước các âm mưu của giặc.
 
Giữa năm 1959, sự tàn bạo của kẻ thù đã đẩy nhu cầu “vũ trang đánh địch” của quần chúng lên đến đỉnh điểm, và Biên Hòa đã đi đầu cả nước, công khai tuyên chiến với giặc Mỹ. Trận tập kích vào phái đoàn cố vấn Mỹ (MAAG) đóng tại Văn phòng nhà máy cưa BIF của quân và dân Biên Hoà đã diệt 2 tên. Thiếu tá Bael Buis và Trung sỹ Chestes Ovmand là 2 tên lính Mỹ đầu tiên bỏ xác tại chiến trường Việt Nam khiến nước Mỹ bàng hoàng, kẻ thù rúm động. Trận đánh một lần nữa lại làm sáng tỏ chân lý: “Chỉ có vũ trang đánh địch mới chống lại được kẻ thù đang ngày càng tàn bạo, phát xít”.
 
Trước yêu cầu của cách mạng, ngày 25.8.1962, Ban An ninh tỉnh Biên Hòa chính thức được thành lập, chỉ với 12 người cùng 1 khẩu súng trường Mas và 5 viên đạn, Ban An ninh Biên Hòa đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ do đồng chí Phan Văn Trang, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban An ninh. Ban An ninh tỉnh Biên Hòa và huyện Xuân Lộc tiến hành củng cố hệ thống tổ chức từ tỉnh xuống huyện, xã để thực hiện nhiệm vụ.
 
Chiến đấu trên một chiến trường vô cùng khó khăn, phức tạp, cán bộ chiến sỹ An ninh Biên Hòa; An ninh Xuân Lộc đã phải lăn lộn với phong trào; kiên trì tuyên truyền chính sách của Đảng, cương lĩnh của Mặt trận giải phóng, chống địch gom dân vào ấp chiến lược; vận động phong trào phòng gian, bảo mật; phong trào bảo vệ nội bộ, bảo vệ cơ quan, bảo vệ căn cứ, bảo vệ Quân đội, bảo vệ các đường hành lang chiến lược; xây dựng lực lượng, đấu tranh chống lại các cơ quan tình báo, gián điệp của địch; phối hợp với lực lượng vũ trang, tấn công tiêu diệt sinh lực địch, bức hàng, bức rút đồn bốt, trại lính địch, phá chính quyền địch để mở rộng vùng giải phóng đã được cán bộ, chiến sỹ An ninh từ tỉnh đến huyện, xã thực thi một cách có hiệu quả ngay sau khi được thành lập.
 
Công tác phát động phong trào phòng chống gián điệp, biệt kích; phong trào xây dựng làng xã chiến đấu trong vùng giải phóng; chấn chỉnh công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ cơ quan, bảo vệ đường hành lang chiến lược, bảo vệ Quân đội được đẩy mạnh... nhờ vậy ta chặn đứng được âm mưu cài cấy gián điệp của địch; khám phá thành công nhiều vụ nội gián trong các đoàn thể kháng chiến của các huyện, xã. Tiêu biểu cho các chiến công trên là ngày 29.1.1964, An ninh tỉnh Long Khánh đã bắt và lột lưới tìmh báo địch ngụy danh tổ chức “Diệt trừ sốt rét”do Nguyễn Thanh Tịnh cầm đầu; Tiểu ban Bảo vệ chính trị đã phối hợp với huyện Long Thành, Long Đất và thị xã Bà Rịa chặn đứng âm mưu cài cấy nội gián của bọn An ninh quân đội ngụy, bắt nhiều tên gián điệp... Hoạt động của các chiến sỹ An ninh Biên Hòa, Long Khánh đã góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy.
 
Nhằm chống lại hoạt động tình báo, gián điệp của Mỹ - ngụy, An ninh các tỉnh Biên Hòa, U1 và Long Khánh đã phối hợp với các ngành kiên trì xây dựng các phong trào quần chúng làm công tác An ninh ở cả 3 vùng chiến lược đủ mạnh để đánh địch.
 
Đi đầu trong trấn áp địch, lực lượng Trinh sát vũ trang tỉnh và huyện của An ninh Biên Hòa, U1 và Long Khánh liên tục đột nhập vào vùng địch kiểm soát, tổ chức diệt những tên ác ôn khét tiếng tại Chi khu Công Thanh; Chi khu Tân Phong; Chi khu Long Thành; yếu khu Túc Trưng... Những tên ác ôn như Nhuận, Bé, Tàng... bị đền tội. Nhiều tên phản bội đền tội ngay tại hang ổ của chúng như Hà Tư, Mười Lồi..., khiến bọn ác ôn phải chùn tay; bọn phản bội; bọn tề ấp, xã thì hoang mang giao động.
 
Các chiến sỹ Trinh sát bảo vệ chính trị đã lột nhiều lưới tình báo của địch. Tại vùng nông thôn phía trước, tháng 3.1965, An ninh Long Khánh bắt toán tình báo 3 tên, ngụy danh dưới tổ chức “Diệt trừ sốt rét”, hoạt động dò tìm căn cứ, dò tìm cơ sở cách mạng tại vùng Bảo Hòa, Bảo Thị; tháng 8.1965 bắt tiếp tên Trần Gia Huy, tình báo viên của tổ chức tình báo SCS Mỹ; ngày 14.4.1966, lột lưới tình báo của bọn Cảnh sát đặc biệt do tên Trương Văn Ngươn cầm đầu, hoạt động tại khu vực vành đai thị xã, bắt 8 tên. Tháng 6.1966, An ninh 3 tỉnh đã phối hợp lột lưới tình báo của Ban 2, tình báo quân sự vùng 3 chiến thuật, bắt và vô hiệu hóa 20 tên; ngày 3.9.1966, lột lưới tình báo của bọn An ninh quân đội ngụy, bắt và vô hiệu hóa 12 tên; ngày 15.9.1967, An ninh Long Khánh lột lưới tình báo nghĩa quân, bắt 20 tên... Đặc biệt trong 2 năm 1965 và 1966, An ninh tỉnh U1 và Long Khánh đã điều tra làm rõ 2 vụ nội gián, chui vào nội bộ An ninh tỉnh và đội tự vệ mật của Thị uỷ thị xã Biên Hòa, chặn đứng âm mưu chui sâu, leo cao của tên Trần Văn Gồm và tên Chục.
 
Kiên trì gây dựng phong trào, từ giữa năm 1967, lực lượng An ninh Biên Hòa, Long Khánh và U1 đã làm chuyển thế phong trào ở vùng nông thôn phía trước; củng cố vững chắc thế trận ở vùng nông thôn phía sau; xây dựng được nhiều lõm chính trị; nhiều cơ sở Điệp báo trong vùng thị xã, thị trấn và trong các cơ quan đàn áp của địch; củng cố hệ thống giao thông, liên lạc, bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo của cấp ủy đến các cơ sở Đảng trong vùng địch hậu. Một loạt địa bàn là vùng yếu như Túc Trưng, Bảo Định, Bảo Hòa, Bảo Liệt, Gia Ray... của Long Khánh; các xã Bình Hòa, Tân Phú, Tân Triều... của huyện Vĩnh Cửu.v.v... được chuyển thế; nhiều xã đã xây dựng được lực lượng An ninh xã. Tiêu biểu cho các chiến công trên là chiến công mở vùng trắng Trảng Bom của An ninh Biên Hòa, cuối tháng 12.1966, đã gây dựng được cơ sở trong đồng bào theo đạo Thiên chúa khu vực Gia Tân - Gia Kiệm; từ đó tỏa ra tuyên truyền chính sách đại đoàn kết kháng chiến của Đảng; cương lĩnh của Mặt trận giải phóng đến quần chúng và được đồng bào tiếp nhận. Kinh nghiệm mở vùng yếu Trảng Bom, đưa một bộ phận quần chúng có đạo, bị địch lợi dụng lâu ngày, trở về với cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc của An ninh Biên Hòa đã trở thành “kinh nghiệm quý” của toàn Khu và được Khu uỷ khu Đông Nam bộ triển khai cho tất cả các tỉnh áp dụng.
 
Tháng 7.1967, Trung ương cục quyết định tổ chức lại chiến trường, nằm trong đội hình chiến đấu của An ninh Khu trọng điểm, chuẩn bị cho “Tổng tấn công và nổi dậy” Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng An ninh Phân khu 4, U1 và tỉnh Bà Rịa - Long Khánh khẩn trương cài cơ sở vào đô thị; tiến hành ổn định tổ chức, củng cố lực lượng để chiến đấu.
 
Được giao nhiệm vụ đánh rã hệ thống kìm kẹp của địch tại xã, ấp; dẫn đường cho lực lượng quân sự đánh vào các cơ quan đầu não địch có trên địa bàn; đánh chiếm và phối hợp đánh chiếm các mục tiêu do ngành phụ trách; huy động quần chúng nổi dậy giải phóng xã, ấp; truy lùng diệt ác ôn..., đêm 31.1.1968, lực lượng An ninh toàn Phân khu 4, U1 và tỉnh Bà Rịa - Long Khánh phối hợp với các lực lượng khác đồng loạt tấn công vào 4 thị xã, 13 trung tâm huyện lỵ, hàng chục Chi khu, yếu khu, hàng trăm đồn bót, trại lính địch và dẫn đầu quần chúng nổi dậy lùng diệt bọn ác ôn, giải phóng xã, ấp.
 
Tại vùng nông thôn, quần chúng nổi dậy với khí thế áp đảo địch. Ta chiếm và làm chủ hầu hết các xã, ấp. Nhiều vùng giải phóng được mở ra. Tính từ 1.1.1968 đến 28.8.1968, cán bộ, chiến sỹ An ninh Phân khu 4, U1 và tỉnh Bà Rịa - Long Khánh đã diệt 479 tên địch, trong đó có 2 Thiếu tá cố vấn Mỹ, 1 quận phó tình báo CIA, 2 Trưởng chi Cảnh sát; bắn bị thương 118 tên, bắt 65 tên, trấn áp bằng các hình thức gần 1.000 tên, làm rã hàng trăm tên địch, hầu hết bọn chúng là đối tượng thuộc ngành quản lý.
 
Trong chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ An ninh Phân khu 4, U1 và tỉnh Bà Rịa - Long Khánh luôn đi đầu và nhận những mục tiêu quan trọng. Nhiều người đã ngã xuống, trong đó có nhiều cán bộ từng lặn lội với phong trào như các đồng chí Trần Văn Nhượng (tức Tư Quy), Trưởng ban An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh; Hai Dũng, Ủy viên ban An ninh tỉnh U1; Hai Trung, Trưởng ban An ninh huyện Xuân Lộc; Ba Rịch, Trưởng ban An ninh huyện Trảng Bom; Nguyễn Văn Giới, Đội trưởng Đội Trinh sát vũ trang huyện Định Quán...
 
Cuối năm 1968, trên chiến trường Phân khu 4, U1 và tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, địch đẩy mạnh cường độ đánh phá. Ở bên trong, địch lập Ủy ban Phượng Hoàng để phối kiểm tin tức tình báo; triển khai kế hoạch tình báo đại chúng kết hợp với đổi thẻ căn cước; đẩy mạnh chiến tranh tâm lý; đưa các đoàn Bình định nông thôn xuống trực tiếp chỉ huy bọn tề ấp, tề xã đánh phá cơ sở cách mạng. Ở bên ngoài, kết hợp giữa máy bay ném bom, phi pháo bắn phá, địch bung quân cấp tiểu đoàn; có lúc cấp trung đoàn càn quét dài ngày vào vùng căn cứ ta. âm mưu của địch là đánh bật lực lượng cách mạng ra xa vùng chúng kiểm soát.
 
Thực hiện chủ trương của cấp ủy: “Đưa chiến tranh vào trong lòng thành phố, thị xã, buộc địch phải giảm cường độ đánh phá bên ngoài; kiên quyết đánh bại kế hoạch Bình định của Mỹ - nguỵ”, cán bộ, chiến sỹ An ninh các tỉnh vừa tích cực chống càn bảo vệ căn cứ, bảo vệ vùng giải phóng, vừa diệt ác, phá kìm ở vùng tranh chấp để bẻ gãy âm mưu đánh phá hạ tầng cơ sở cách mạng của Ủy ban Phượng Hoàng, làm thất bại kế hoạch Tình báo đại chúng của địch.
 
Cán bộ chiến sỹ An ninh từ tỉnh tới huyện, xã của Phân khu 4, tỉnh Bà Rịa - Long Khánh và U1 lại lao vào chiến đấu. Chỉ trong 2 tháng 10 và 11 năm 1968, An ninh các huyện Xuân Lộc, Định Quán  và Cao su đã đánh 7 trận; bắt, diệt 10 tên;  An ninh Phân khu 4 tổ chức bắt  22 tên tình báo, thám báo, mật báo viên của địch. Quý 1 năm 1969, An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh diệt 53 tên ác ôn, thám báo...; trong đó An ninh huyện Xuân Lộc diệt 26 tên; An ninh huyện Định Quán diệt 10 tên, bắn bị thương 7 tên khác.
 
Thực hiện chủ trương: “Chuyển chiến tranh vào trong lòng thành phố, thị xã”, các năm 1969, 1970, An ninh Phân khu 4, tỉnh Bà Rịa - Long Khánh và U1 vừa phối hợp với lực lượng quân sự, ở nhiều trận tác chiến ngay giữa nội ô thị xã Long Khánh và Biên Hòa. Chỉ riêng tháng 5 năm 1969, tháng cao điểm 2 của chiến dịch Xuân Hè,  An  ninh  tỉnh Bà Rịa - Long  Khánh đã diệt 158 tên giặc, bắn bị thương 29 tên khác, đốt và phá huỷ 29 trụ sở tề xã, tề ấp của giặc, phá rã 6 toán 219 tên phòng vệ dân sự của địch; phối hợp với quân sự, tấn công vào Toà hành chánh, Ty Chiêu hồi, Ty Cảnh sát tỉnh Long Khánh, Ty Cảnh sát tỉnh Phước Tuy, Chi Cảnh sát Xuân Lộc, Chi Cảnh sát Đất Đỏ, Chi khu Tân Lập, Chi khu Định Quán, Trung tâm hành quân dã ngoại Cảnh sát dã chiến tỉnh Phước Tuy... Năm 1970, An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh diệt 493 tên địch, trong đó có 246 tên Bình định nông thôn, bọn còn lại hầu hết là đối tượng của ngành; bắn bị thương 148 tên khác; An ninh Phân khu 4 diệt 297 tên, bắn bị thương 17 tên khác; chỉ riêng Đội Trinh sát vũ trang An ninh thị xã Long Khánh đã đánh gần 20 trận trong nội ô, diệt và làm bị thương gần 100 tên địch. An ninh thị xã Biên Hòa mưu trí, gây nổ tại Trung tâm Cảnh sát dã chiến của địch, khiến địch nhiều phen hoảng loạn.
 
Trong chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ An ninh Phân khu 4, tỉnh Bà Rịa - Long Khánh và U1 luôn nêu cao ý chí tiến công địch. Có người bằng 4 viên đạn bắn tỉa đã diệt 6 tên Mỹ như chiến sỹ Sơn, cán bộ cận vệ Phân khu ủy Phân khu 4; có trận, chỉ 6 cán bộ, chiến sỹ đã mưu trí, đẩy lùi cả Tiểu đoàn lính Mỹ càn vào căn cứ, diệt 20 tên, bảo vệ an toàn bộ máy lãnh đạo kháng chiến của Phân khu. Nêu cao ý chí tiến công địch, nhiều người đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh như các chiến sỹ Phạm Thanh Xuân và Nguyễn Văn Ngọc; có người bị địch bắt, đã cho nổ lựu đạn giữa Trung tâm thẩm vấn của địch và anh dũng hy sinh để giữ trọn khí tiết như nữ chiến sỹ Hường (Bí số H5), trinh sát vũ trang An ninh Thị xã Long Khánh...
 
Tháng 5.1971, An ninh Phân khu 4 được sáp nhập với An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh thành An ninh Phân khu Bà Rịa. An ninh tỉnh U1 nằm trong đội hình chiến đấu của An ninh Phân khu Thủ Biên. Nhiệm vụ trọng tâm của An ninh 2 Phân khu là: “Tập trung đánh phá Bình định, phát triển phong trào làm chủ xã, ấp trên khắp nông thôn” .
 
Sau khi ổn định lại tổ chức, An ninh Phân khu Bà Rịa và An ninh U1 vừa tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng tẩy chay các tổ chức trá hình của địch, vừa đẩy mạnh các hoạt động vũ trang để diệt ác, phá kìm, phá rã chính quyền địch, kết hợp với điều tra bóc gỡ, vô hiệu hoá các hoạt động tình báo của địch, tạo điều kiện để quần chúng đấu tranh, chống phá kế hoạch Bình định của giặc. Tại tuyến trước, 7 tháng đầu năm 1971, An ninh Phân khu Bà Rịa diệt 202 tên ác ôn, bắn bị thương 52 tên khác; phối hợp chống càn 02 trận, diệt 20 tên Mỹ; đánh sập 5 trụ sở tề xã, tề ấp; phá rã 33 toán 792 tên phòng vệ dân sự; làm rã 5 ban tề ấp. An ninh huyện Vĩnh Cửu của U1 diệt 15 tên tề, điệp ngầm, đánh rã hệ thống kìm kẹp của địch ở nhiều xã; cảnh cáo, giáo dục 203 tên tề, điệp, buộc bọn chúng phải hoạt động cầm chừng, giảm chất ác ôn, có lợi cho phong trào cách mạng. Tại tuyến sau, phong trào bảo vệ nội bộ, bảo vệ cơ quan vẫn được phát động và duy trì đều đặn. An ninh Phân khu Bà Rịa và U1 đã khám phá, bắt giữ nhiều tên tình báo chui sâu vào nội bộ ta.
 
Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris được ký kết. Trước giờ Hiệp định có hiệu lực, nhằm tạo một cục diện chiến trường có lợi cho ta, Trung ương cục mở đợt đồng loạt tấn công địch, giải phóng xã, ấp.
 
Thực hiện mệnh lệnh, ngày 26 và sáng ngày 27.1.1973, An ninh hai tỉnh Biên Hòa và Bà Rịa - Long Khánh đã huy động toàn bộ lực lượng hiện có xuống địa bàn, phối hợp với lực lượng tại chỗ đồng loạt tấn công địch. 10 giờ sáng ngày 27.1.1973 lúc Hiệp định Paris có hiệu lực cũng là lúc chiến dịch kết thúc, ta giải phóng thêm 45 ấp của tỉnh Biên Hoà, 80 ấp của tỉnh Bà Rịa - Long Khánh. Vùng kiểm soát của địch hoàn toàn bị thu hẹp.
 
Cán bộ, chiến sỹ An ninh hai tỉnh đã bám trụ địa bàn, phối hợp đánh địch vi phạm Hiệp định. Từ 28.1.1973 đến 7.2.1973, An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh phối hợp đánh 291 trận, diệt 494 tên địch; đánh thiệt hại nặng 5 đại đội lính Bảo an. Chỉ riêng An ninh thị xã Long Khánh đã phối hợp đánh 32 trận; tự lực đánh 25 trận, diệt cả trăm tên địch. An ninh Biên Hòa phối hợp lực lượng tại chỗ, liên tục tấn công vào bọn ủi phá rừng tại các xã Cây Gáo, Đại An, Thiện Tân của Vĩnh Cửu; Bưng Môn, Bưng Cơ của Long Thành; Vũng Gấm, Bàu Bông .. của Nhơn Trạch diệt nhiều tên địch; bắt, tịch thu, phá hủy nhiều phương tiện cơ giới của địch; chặn đứng âm mưu lấn đất, cấy dân lấn chiếm vùng giải phóng của giặc.
 
Nhằm chủ động đối phó với mọi âm mưu của địch, lực lượng An ninh các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh và Tân Phú lao vào trận tuyến diệt ác, phá kìm, phá rã chính quyền địch, đẩy mạnh công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ cơ quan, đấu tranh làm thất bại các âm mưu của các cơ quan tình báo địch. Nhiều trận diệt ác, phá kìm của cán bộ, chiến sỹ An ninh các tỉnh Biên  Hòa,  Bà  Rịa - Long Khánh và Tân Phú đã làm cho hệ thống kìm kẹp của địch tiếp tục tan rã như trận diệt tên Mỹ, Cảnh sát đặc biệt quận Đức Tu của An ninh thị xã Biên Hòa; trận diệt tên Bê của An ninh huyện Thống Nhất; trận diệt các tên Kịch, tên Thẹo của An ninh huyện Long Thành và Nhơn Trạch.v.v...
 
Mùa khô năm 1974,  được sự chỉ đạo của An ninh khu Đông Nam bộ, An ninh các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh và Tân Phú chỉ đạo An ninh các huyện, xã đẩy mạnh tấn công địch trên cả 3 vùng chiến lược; chú ý phát triển lực lượng đủ mạnh, đủ sức đảm đương nhiệm vụ khi vùng giải phóng mở ra. Tại Tân Phú, từ cuối tháng 10.1974, Quân uỷ miền và Khu uỷ quyết định mở chiến dịch đường 20. Mục tiêu của chiến dịch là mở rộng vùng căn cứ, nối thông hành lang sang phía Đông (tỉnh Bình Thuận); phát triển về Long Khánh, Bà Rịa. An ninh tỉnh Tân Phú chỉ đạo Trinh sát vũ trang và Trinh sát bảo vệ chính trị của tỉnh phối hợp chặt chẽ với bộ phận An ninh tiền phương của Khu, vừa tổ chức đánh địch, không cho chúng ủi phá rừng, vừa tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra, truy bắt bọn tình báo, gián điệp của giặc. Tháng 8.1974 ta bắt gọn 4 tên tình báo tại chùa “Tư Ân hiếu nghĩa”; lượng An ninh vũ trang của Khu, của tỉnh cũng đánh bật bọn ủi, phá rừng khỏi địa hình, tịch thu phương tiện của chúng; chặn đứng âm mưu giặc; bảo vệ An ninh chiến dịch cho đến giờ nổ súng.
 
Tại tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, ngày 7.12.1974, Tỉnh uỷ mở cao điểm N từ ngày 7.12.1974 đến ngày 10.3.1975, An ninh thị xã Long Khánh và các huyện Cao Su, Xuân Lộc đã đánh 19 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 226 tên địch, phá huỷ một máy bay HU1A, làm hư hại nặng 2 máy bay L19, 2 pháo tự hàng 105 và 155 ly; lực lượng Trinh sát Bảo vệ chính trị đã làm rõ và vô hiệu hóa 33 tên mật báo viên của địch, trong đó có 17 tên được địch cài cắm ven thị xã Long Khánh; lột 3 lưới gián điệp của địch; giải tán 12 đội phòng vệ dân sự; làm tan rã hệ thống kìm kẹp của địch ở xã, ấp. Trong chiến dịch này, Anh hùng lực lượng võ trang Hồ Thị Hương đã ngã xuống.
Tháng 3.1975, chiến thắng của ta trên chiến trường Tây Nguyên và Nam Trung bộ đã làm cho binh lính địch và hệ thống kìm kẹp của địch tại Biên Hòa, Long Khánh hoảng loạn, lung lay và đứng trước sự sụp đổ. Tuy vậy, trong cơn giãy chết, địch vẫn không ngừng gia tăng các hoạt động tình báo, biệt kích, thám sát để dò tìm hướng tiến quân của ta.
 
Ngày 17.3.1975, chiến dịch giải phóng đường 20 mở màn. Thực hiện nhiệm vụ, sau khi tung hết số cán bộ, chiến sỹ hiện có xuống xã, ấp để phối hợp với lực lượng tại chỗ, đánh chiếm và chiếm lĩnh trận địa, Ban lãnh đạo đã huy động toàn bộ số tân binh mới tạm tuyển vào việc phát quang hàng ngàn mét vuông rừng, dựng chòi, lán; mua hàng trăm mét dây xích sắt và khóa các loại, chuẩn bị cho việc tiếp nhận, giam giữ tù binh.
 
Ngày 20.3 1975, chiến dịch giải phóng đường 20 của ta kết thúc. Ta chặt đứt con đường huyết mạch nối thông với Đà Lạt, Tuyên Đức của địch, giải phóng Chi khu Định Quán, bắt hơn 300 tù binh, trong đó có Quận trưởng và Trưởng Chi Cảnh sát địch.
 
Tại tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, ngày 21.3.1975, chiến dịch giải phóng lộ 3 đã toàn thắng và phát triển ra hướng quốc lộ số 1. Ta lần lượt giải phóng yếu khu Bảo Chánh, Chi khu Gia Ray; Chi khu Lộc Ninh (lưu vong) và Chi khu Bình Khánh; khiến binh lính địch tại thị xã Long Khánh trong cơn hoảng loạn.
 
Ngày 9.4.1975, chiến dịch giải phóng thị xã Long Khánh mở màn. Các cơ sở điệp báo của An ninh Bà Rịa - Long Khánh được lệnh bám sát diễn biến của địch, kịp thời cung cấp tin tình báo cho Ban chỉ huy chiến dịch. An ninh thị xã Long Khánh đã huy động mọi lực lượng hiện có vào phục vụ chiến dịch như dẫn đường cho quân chủ lực; phối hợp đánh chiếm các mục tiêu quân sự; hướng dẫn đồng bào sơ tán khỏi vùng chiến sự.v.v...
 
Ngày 21.4.1975, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Long Khánh, đập tan cánh cửa “Tử thủ” của địch để thẳng tiến về Sài Gòn. An ninh thị xã Long Khánh và hai huyện Cao Su và Xuân lộc đã nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa; tiến hành các công việc cấp bách, trước mắt để làm nhiệm vụ.
 
Những ngày cuối tháng 4.1975, sau khi tuyến phòng thủ Xuân Lộc của địch bị đập tan, tại tỉnh Biên Hòa, địch nhanh chóng tan rã, An ninh huyện, xã của tỉnh Biên Hòa nông thôn nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ chiếm lĩnh và làm chủ trận địa. Tại trung tâm tỉnh lỵ Biên Hòa (Biên Hòa thị xã ),  cán bộ, chiến sỹ An ninh thị xã Biên Hòa rời căn cứ Bình Sơn, tiến hành đánh chiếm các mục tiêu do ngành phụ trách tại các xã Phước Tân, An Hòa, An Hảo, Long Hưng... mở đường về chiếm lĩnh mục tiêu Chi Cảnh sát quận Đức Tu... 10 giờ 30 sáng 30.4, lực lượng An ninh đã hoàn toàn làm chủ các mục tiêu được phân công chiếm giữ và bắt tay vào thực hiện các công tác nghiệp vụ để ổn định tình hình an ninh sau giải phóng.
 
Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 là một mốc son chói lọi trong chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Sự kiện vĩ đại đó mở ra một giai đoạn cách mạng mới cho cả một dân tộc.
 
*
*                  *
 
Cùng cả nước, nhân dân các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh, Tân Phú và 2 thành phố Biên Hòa, Vũng Tàu bắt tay ngay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ An ninh nội chính các tỉnh, thành phố trong giai đoạn cách mạng mới lại càng nặng nề gấp bội.
 
Không để cho kẻ địch có đủ thời gian tập hợp đồng bọn, những tháng cuối năm 1975, An ninh tỉnh và thành phố Biên Hòa khẩn trương tổ chức cho hơn 100 ngàn ngụy quân, ngụy quyền đi học tập, cải tạo; tổ chức các đợt truy quét để làm trong sạch địa bàn. Tháng 6.1975, An ninh các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh, Tân Phú và thành phố Biên Hòa đã bắt gần 3.000 tên ngụy quân, ngụy quyền trốn trình diện; trốn học tập cải tạo. Đánh tan nhiều nhóm tàn quân vũ trang, trong đó có nhóm “Bộ chỉ huy lực lượng Dân - Quân võ trang phục quốc” do tên đại uý, linh mục tuyên uý Trần Học Hiệu cầm đầu. An ninh các tỉnh đã tiến hành công tác kê khai hộ tịch, hộ khẩu; kê khai ngành nghề và phương tiện giao thông để làm công tác nghiệp vụ; đồng thời đã bảo vệ thành công các chiến dịch X1 (truy quét tàn quân); X2 (đổi tiền); X3 (cải tạo tư sản ) của Đảng. Trong cuộc đấu trí này, lực lượng An ninh phát hiện bọn cầm đầu các đảng phái phản động đã liên kết với bọn phản động lợi dụng tôn giáo, lợi dụng dân tộc, chiêu mộ bọn ngụy quân, ngụy quyền... để lập tổ chức phản động; tài trợ vật chất cho các nhóm tàn quân vũ trang chống phá cách mạng. An ninh các tỉnh và thành phố Biên Hòa kịp thời báo cáo cấp ủy để xin chủ trương cho cuộc đấu tranh.
 
Tháng 1.1976, Trung ương quyết định lập tỉnh Đồng Nai trên cơ sở sát nhập các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh, Tân Phú cùng 2 thành phố là Biên Hòa và Vũng Tàu. Ty Công an Đồng Nai được thành lập dựa trên nguồn cán bộ An ninh các tỉnh, có sự tăng cường của Khu. Kể từ đây Công an Đồng Nai chính thức đảm nhận nhiệm vụ “Bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” trên địa bàn tỉnh.
 
Nhiệm vụ “Bảo vệ công cuộc cải tạo xã hội chủa nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội”; “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” trên một địa bàn có những yếu tố kinh tế - xã hội; Địa lý - Dân cư; Dân tộc - Tôn giáo; Đảng phái - xã hội... phức tạp chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh; lại ở trong bối cảnh Mỹ và bọn phản động quốc tế đang siết chặt bao vây, cấm vận, kết hợp với gây chiến tranh biên giới, chúng âm mưu kích động bọn phản động hoạt động bạo loạn, lật đổ để buộc nhân dân miền Nam phải từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa; buộc ta phải từ bỏ nguyên tắc Độc lập - Tự chủ... cán bộ, chiến sỹ Công an Đồng Nai đã phải nỗ lực vượt bậc để hoàn thành nhiệm vụ.
 
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, những năm 1976 - 1980, cán bộ chiến sỹ Công an Đồng Nai phải căng lực lượng ra trên tất cả các địa bàn của 11 huyện, thị và thành phố để một mặt vừa đẩy mạnh công tác truy diệt các toán, cụm tàn quân vũ trang, vừa đấu tranh bóc gỡ các tổ chức phản động; mặt khác, vừa triển khai, thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản để quản lý con người, quản lý đối tượng, quản lý địa bàn, đấu tranh với bọn phạm tội, và tiến hành phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc để hình thành một sức mạnh tổng hợp tấn công bọn tội phạm.
 
Tháng 5.1977, thực hiện Chỉ thị số 02/CT ngày 9.3.1977 của Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ khoá II, Ty quyết định mở chiến dịch “Phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng chính quyền cơ sở; củng cố lực lượng Công an xã, ấp và đánh địch”. Chỉ trong một thời gian ngắn, Công an Đồng Nai đã làm rã 20 trong số 29 toán, cụm tàn quân vũ trang, diệt 83 tên, gọi hàng 366 tên, thu 148 súng các loại; bóc gỡ hơn 20 tổ chức phản động, bắt hơn 500 tên, trong đó có 12 tên linh mục; phá tan 5 mật cứ của chúng; bắt hơn 1.500 tội phạm hình sự. Qua chiến dịch, lực lượng Công an đã phát hiện 1.400 quần chúng cốt cán bổ sung cho chính quyền cơ sở và lực lượng Công an xã. Công an Đồng Nai đã làm chuyển hẳn thế và lực của ta ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng có đồng bào theo đạo Thiên chúa; tạo đà cho phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc ở cả hai địa bàn chiến lược là trong cơ quan và ngoài xã hội phát triển. Đến cuối năm 1980, Công an Đồng Nai đã cơ bản quét sạch các toán, cụm tàn quân vũ trang; dập tắt âm mưu đòi “Tự trị” của FULRÔ; âm mưu “bạo loạn” của bọn phản cách mạng; ngăn chặn có hiệu quả nạn vượt biển trốn ra nước ngoài. Nhiều nhóm tàn quân như: “Liên đoàn biệt kích 909” ; “Đặc khu rừng Sác”; “Thập giá Ki tô 14; “Lực lượng vũ trang kháng chiến chống cộng”; “Hoa nở về đêm” do tên Trung uý Được cầm đầu.v.v... bị đánh cho tan tác. Nhiều tổ chức phản động như “Mặt trận quốc gia Việt Nam” (chuyên án VA202); “Lực lượng phục quốc” (chuyên án H500); “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam” (chuyên án V300); “Mặt trận liên minh vùng 3 phục quốc”; “Mặt trận liên quân hỗn hợp Việt Nam”.v.v...lần lượt bị bóc gỡ, 4 tên tình báo của “Biệt đội sưu tầm vùng 3 chiến thuật” (chuyên án VA101), được Mỹ - ngụy cài lại trong nội ô Biên Hòa, hoạt động cho kế hoạch hậu chiến của địch. Đã chặn đứng âm mưu đánh chiếm đài phát thanh tỉnh; đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh; đánh chiếm sân bay Biên Hòa... của chúng, giữ vững ổn định xã hội, bảo vệ thành công công cuộc cải tại xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn.
 
Cách mạng đã chuyển giai đoạn, Công an Đồng Nai một mặt vừa tích cực xây dựng lực lượng, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc trên cả hai địa bàn chiến lược theo Chỉ thị 92/CT-TW của ban Bí thư Trung ương Đảng; mặt khác vừa khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, vừa thực hiện Nghị định số 250/CP của Hội đồng Chính phủ, xây dựng lực lượng tạo nên một sức mạnh tổng hợp dựa trên nền tảng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc mạnh để đấu tranh với âm mưu bạo loạn, lật đổ của các tổ chức phản động; với bọn tội phạm hình sự và kinh tế; với các hoạt động tôn giáo trái phép; với vấn nạn vượt biển trốn ra nước ngoài và bài trừ tai, tệ nạn xã hội; đưa trật tự, kỷ cương xã hội vào khuôn khổ, luật pháp.
 
Với mô hình tổ chức mới và lực lượng được xây dựng theo hướng chuyên sâu, từ năm 1981 đến năm 1985, Công an Đồng Nai đã triển khai nhiều kế hoạch nghiệp vụ; mở nhiều chiến dịch làm trong sạch địa bàn, cùng nhiều đợt truy quét tội phạm hình sự, kinh tế và tệ nạn xã hội, và đã thu được những kết quả quan trọng. Đã dựng lại được toàn bộ hệ thống, cơ cấu tổ chức các đảng phái phản động của Mỹ - ngụy có trên đất Đồng Nai trước năm 1975; hệ thống, cơ cấu tổ chức của bọn FULRÔ; kiểm danh, kiểm diện và quản lý chặt cơ sở tình báo, mật báo viên của Mỹ - Ngụy có trên địa bàn; đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động tôn giáo trái phép, xé rào, buộc họ phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân; ngăn chặn có hiệu quả nạn tham ô, hối lộ, ức hiếp quần chúng, bắt giữ hàng ngàn tên tội phạm; dập tắt âm mưu bạo loạn của các tổ chức phản động như Quân lực Việt Nam cộng hòa - biệt khu thủ đô; Quân lực Việt Nam cộng hòa - cục Trung ương 81; Lực lượng nghĩa quân phục quốc; Mặt trận liên quân Việt Nam; Hội đồng hòa giải quốc tế.v.v...; bảo vệ an toàn các cơ quan lãnh  đạo của Đảng và chính quyền, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, tham gia tốt kế hoạch CM12; góp phần đánh thắng kiểu chiến tranh “Phá hoại nhiều mặt” của địch. Trong cuộc đấu tranh này, 8 liệt sỹ của Công an Đồng Nai là Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Hon, Đinh Văn Dương, Phạm Hồng Lách, Bùi Văn Tỏ, Nguyễn Bùi, Sái Minh Hoàng và Huỳnh Văn Sơn đã ngã xuống.
 
Ghi nhận những thành tích to lớn trong suốt chặng đường “40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành” của cán bộ, chiến sỹ Công an Đồng Nai, nhân kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập ngành (19.8.1945 - 19.8.1985), Công an Đồng Nai vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng: “Huân Chương Hồ Chí Minh”.
 
Những năm 1986 - 1990, đảm đương nhiệm vụ giữ vững ổn định xã hội, bảo vệ công cuộc “Đổi mới” của tỉnh Đảng bộ trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều phức tạp. Mỹ và các thế lực thù địch vẫn không  từ bỏ mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam, chúng chuyển hướng chiến  lược từ “Phá hoại nhiều mặt” sang “Diễn biến hòa bình” để phá ta từ trong ra.
 
Trước tình hình diễn biến phức tạp, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BNV (V11) của lãnh đạo Bộ, Công an Đồng Nai tiến hành “Đổi mới” toàn diện các mặt công tác để phục vụ sự nghiệp “Đổi mới” của Đảng. Khâu đột phá được Đảng ủy và Ban giám đốc Công an Đồng Nai chọn là khâu công tác tư tưởng và tổ chức. Với mục tiêu: “Chấn chỉnh hiện tượng vô tổ chức, vô kỷ luật, bê trễ công tác... của cán bộ, chiến sỹ; tạo sự đoàn kết thống nhất về ý chí, về hành động từ trên xuống dưới”, Công an tỉnh đã mở cuộc vận động “Phê bình và tự phê bình” trong toàn Đảng bộ và cán bộ chiến sỹ.
 
Sau cuộc vận động, những hiềm khích, đố kỵ, nghi ngờ... do hậu quả của vụ án NV44 còn rơi rớt lại trong một vài cán bộ chủ chốt được giải tỏa. Tiến thêm một bước, Công an Đồng Nai kiên quyết làm trong sạch nội bộ qua việc kiên quyết điều tra, truy tố những kẻ vi phạm pháp luật trong vụ án N2.  Cán bộ chiến sỹ được sắp xếp theo hướng ưu tiên cho cơ sở; ưu tiên cho lực lượng chiến đấu; giảm khâu trung gian, giảm bộ phận hành chính, sự nghiệp...
 
Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh và bằng các biện pháp kiên quyết, triệt để, đoàn kết nội bộ trong Công an tỉnh được củng cố; sức chiến đấu của Đảng bộ được khôi phục. Tại cơ sở, 120 cán bộ, chiến sỹ được đưa xuống trực tiếp làm phó thường trực Công an xã, đã cùng lực lượng bán chuyên trách thực sự là nòng cốt trong vận động phong trào quần chúng truy quét tội phạm theo Chỉ thị số 135/HĐBT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; là lực lượng nòng cốt, tham gia giải quyết, hạn chế những điểm nóng do tranh giành đất đai của một bộ phận nông dân gây ra; là lực lượng chủ công vận động quần chúng đấu tranh với những hoạt động tôn giáo trái pháp luật của một số chức sắc cực đoan nhân sự kiện Vatican đơn phương tấn phong 117 Á thánh tử vì đạo.
 
Lực lượng đã bố trí theo hướng chuyên, sâu và tăng cường cho cơ sở; Phong trào quần chúng tấn công tội phạm được quần chúng, đặc biệt là các ban, ngành, đoàn thể hưởng ứng, đã giúp Công an Đồng Nai có điều kiện tấn công mạnh mẽ vào bọn tội phạm hình sự, kinh tế, các loại tai, tệ nạn xã hội và đối phó có hiệu quả với các hoạt động chống phá cách mạng của các tổ chức phản động, cũng như các hoạt động đòi “Đa nguyên, đa Đảng” do một số văn nghệ sỹ xấu và một số linh mục cực đoan cầm đầu. Khám phá các tổ chức phản động như “Mặt trận Quân dân cách mạng”; “Mặt trận Việt Nam kháng chiến”...
 
Những năm đầu của thập kỷ 90, Đồng Nai trở thành trung tâm; thành điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế của cả nước; nhưng Đồng Nai cũng trở thành điểm dừng chân, nơi “hội tụ” của các loại tệ nạn và bọn tội phạm. Nhiệm vụ giữ vững An ninh quốc gia, đảm bảo trật tự xã hội, bảo vệ công cuộc “Đổi mới - mở cửa” của Đảng trên địa bàn tỉnh nặng nề hơn bao giờ hết.
 
Phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được Công an Đồng Nai duy trì và đẩy mạnh trên cả 2 địa bàn chiến lược, và được quần chúng sôi nổi hưởng ứng.
 
 Trên mặt trận giữ vững trật tự, an toàn xã hội, những năm 1990 - 1995, công tác tấn công, truy quét bọn tội phạm hình sự được duy trì và đẩy mạnh. Chỉ riêng năm 1995, đã điều tra, khám phá thành công 1.897 vụ án hình sự, trong đó có 102 vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Bắt, xử lý 2.339 tên tội phạm các loại trong đó có nhiều tên tội phạm nguy hiểm. Có vụ, chỉ trong một ngày, đã khám phá, bắt gọn một băng cướp 7 tên, chuyên đi cướp các tiệm vàng. Có vụ, chỉ trong 5 ngày, bắt gọn một ổ nhóm chuyên làm, tàng trữ và tiêu thụ tiền giả. Bọn tội phạm ma túy cũng bị tấn công mạnh mẽ, bắt nhiều ổ nhóm buôn bán các chất gây nghiện, trong đó có ổ nhóm buôn bán chất ma túy xuyên quốc gia do tên Trần Xuân Thi cầm đầu. Đã góp phần củng cố niềm tin của quần chúng vào chế độ; vào lực lượng Công an, là động lực thúc đẩy phong trào quần chúng tấn công, trấn áp tội phạm tại địa bàn dân cư ngày một dâng cao.
 
Biết dựa vào quần chúng, biết phát huy sức mạnh của quần chúng vào công tác giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, 10 năm thực hiện công cuộc “Đổi mới” để xây dựng đất nước, là 10 năm Công an Đồng Nai vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đặt nền móng vững chắc để bước vào thực hiện nhiệm vụ “Bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” của Đảng.
 
Mười năm tiến hành “Đổi mới, mở cửa” để xây dựng kinh tế, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã đưa Đồng Nai trở thành khu vực kinh tế năng động có tốc độ phát triển kinh tế cao, và là một tỉnh nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Nam.
 
Đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ sự nghiệp “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước trên một địa bàn có sự tăng trưởng kinh tế cao, năng động nhất, nhì cả nước, cán bộ, chiến sỹ Công an Đồng Nai vừa phải đấu tranh với những âm mưu chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch; lại vừa phải uyển chuyển trong đối sách, sách lược...  phục vụ tốt cho chính sách kêu gọi vốn đầu tư để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước của tỉnh.
 
Bằng bước đi đúng hướng, mười lăm năm thực hiện nhiệm vụ, là mười lăm năm Công an Đồng Nai chặn đứng âm mưu dùng sức mạnh kinh tế; dùng lá bài “từ thiện, nhân đạo”... để chuyển hóa tư tưởng của cán bộ, đảng viên; chuyển hóa chính quyền cơ sở và quần chúng của các thế lực thù địch. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, vùng tôn giáo... Công an Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan hữu quan và chính quyền cơ sở, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu lợi dụng “Dân chủ, nhân quyền”; lợi dụng chủ trương “Đấu tranh chống tham nhũng” của Đảng... để khoét sâu mâu thuẫn giữa chính quyền cơ sở với quần chúng, gây ra những “điểm nóng”, tạo sự hỗn loạn ở địa bàn nông thôn để tập hợp lực lượng của các thế lực thù địch…Trên mặt trận kinh tế, đã kiên quyết đấu tranh với các thủ đoạn lợi dụng chính sách ưu đãi của tỉnh, đưa trang, thiết bị, vật tư, máy móc cũ, lạc hậu vào Việt Nam; đấu tranh với các hiện tượng khai khống vốn đầu tư; đầu tư chui; trốn, lậu thuế; giả lỗ để đẩy đối tác Việt Nam ra khỏi liên doanh; đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ lậu để thu hồi vốn nhanh, trốn các khoản nghĩa vụ đối với Nhà nước Việt Nam.v.v... Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa; lợi dụng mua bán lòng vòng để chiếm dụng vốn của nhau; lợi dụng chủ trương hoàn thuế giá trị gia tăng để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước... trong khu vực kinh tế tư nhân, cũng như các hiện tượng lợi dụng chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp để tham ô; chiếm đoạt thương hiệu sản phẩm.v.v... của một số giám đốc xí nghiệp, nhà máy, công, nông trường... Hàng trăm vụ án tham ô, tham nhũng với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng đã được khám phá và thu hồi, trong đó có vụ tham ô 7,8 tỷ đồng (thời điểm năm 1996) tại Công ty Thiết bị điện 4 và vụ tham ô 3,7 tỷ đồng (thời điểm năm 1996) tại Nông trường Cao su Túc Trưng; vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước tại Cục thuế Đồng Nai gây thiệt hại 62.039.542.034 đồng (thời điểm năm 2005)… là minh chứng cho sự lớn mạnh của Công an Đồng Nai trên mặt trận đấu tranh bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh.
 
Trên mặt trận bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, Công an tỉnh liên tục mở các đợt tấn công, truy quét, truy bắt bọn tội phạm hình sự và các loại tệ nạn xã hội, nhằm trấn áp tội phạm ngay từ cơ sở. Các phong trào phòng chống cháy, nổ; phong trào khu phố, nhà máy không có tệ nạn mại dâm, không có ma tuý.v.v... được phối hợp với các cơ quan hữu quan phát động và duy trì ở khắp các địa bàn dân cư, mà trọng tâm là những khu công nghiệp tập trung; nơi có đông công nhân đến sinh sống và làm việc.
 
Được quần chúng tích cực tham gia và giúp đỡ, hàng năm Công an tỉnh khám phá từ 1.100 đến 1.500 vụ án hình sự các loại; thu hồi tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng; bắt gọn nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, băng cướp hoạt động trên một địa bàn rộng, với những thủ đoạn hết sức tàn bạo, tinh vi. Phối hợp khám phá bắt gọn băng cướp Dũng chim xanh; băng cướp dùng gậy đập đầu nạn nhân; băng cướp xe ô tô.v.v... Bằng công sức và trí tuệ của mình, mười lăm năm bảo vệ sự nghiệp “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước trên địa bàn tỉnh, là mười lăm năm Công an Đồng Nai giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo tốt trật tự, an toàn xã hội trên một địa bàn: “Phức tạp sau thành phố Hồ Chí Minh”. Trong cuộc chiến đấu này, liệt sỹ Nguyễn Văn Thành đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc, vì sự hạnh phúc của nhân dân.
 
Hơn sáu mươi năm chiến đấu vì sự trường tồn của đất nước, sự bình yên của nhân dân lớp lớp cán bộ, chiến sỹ Công an Đồng Nai đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chính  họ đã góp phần làm nên những chiến thắng hiển hách của dân tộc; góp phần giữ vững ổn định xã hội để phát triển kinh tế, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của Hòa bình, Hữu nghị; Hợp tác và cùng phát triển. Trong cuộc chiến đấu này 3 cá nhân và 4 tập thể của Công an Đồng Nai đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang.
 
Ngày nay, nối tiếp tuyền thống cha, anh, cán bộ chiến sỹ Công an Đồng Nai dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh, nguyện đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; kiên trì phấn đấu, quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của tỉnh nhà, góp phần đưa công cuộc đổi mới đất nước của Đảng đi đến thắng lợi cuối cùng.

NCLS - PV11

Các trang giới thiệu khác

Đồng chí Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Lễ ra quân
Quang cảnh Lễ ra​ quân tấn công trấn áp tội phạm
Quang cảnh Lễ ra​ quân tấn công trấn áp tội phạm
Quang cảnh Lễ ra​ quân tấn công trấn áp tội phạm
Quang cảnh Lễ ra​ quân tấn công trấn áp tội phạm
Quang cảnh Lễ ra​ quân tấn công trấn áp tội phạm
Xem thêm

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Công an tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả: