Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Cảnh báo lừa đảo nhắm đến các Phụ huynh

Lợi dụng mong muốn các bậc phụ huynh cho các con những trải nghiệm thú vị, một số đối tượng sử dụng hình thức “Tuyển người mẫu nhí tham gia chụp ảnh làm đại diện thương hiệu”, tuyển các bé tham gia chương trình “Vầng trăng đêm thu 2023”, tuyển các bé tham gia các chương trình trải nghiệm,… Các đối tượng lừa đảo đã quảng cáo trên các website, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber; qua đó, lôi kéo người dân tham gia thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nội dung quảng cáo được đưa ra rất đơn giản và dễ thực hiện, như “chụp hình mẫu ảnh tại gia thu nhập 7-15 triệu đồng/tháng cho bé” với mô tả là chụp mẫu các sản phẩm, bộ sưu tập nhãn hàng; không gian tự chọn, chủ động thời gian. Vì muốn con có cơ hội được trải nghiệm cũng như tỏa sáng, lại có thêm thu nhập, nhiều phụ huynh “sập bẫy”.

Nội dung quảng cáo của các đối tượng lừa đảo (Nguồn Internet)
Nội dung quảng cáo của các đối tượng lừa đảo (Nguồn Internet)


Một số phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đến người dân, doanh nghiệp như sau:
1. Mục tiêu: nhắm đến các bậc phụ huynh có con nhỏ, đang sinh sống tại các thành phố lớn, như: Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh,… để quảng cáo về việc các website, sàn TMĐT đang cần tuyển mẫu nhí chụp ảnh làm đại diện thương hiệu, tuyển các bé tham gia chương trình trải nghiệm.
2. Thủ đoạn:
- Các đối tượng này sử dụng tính năng chạy quảng cáo của mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber…, nhóm lừa đảo sẽ kết bạn và mời tham gia ứng tuyển.
- Sau khi cha hoặc mẹ “cắn câu”, chúng sẽ đưa vào một nhóm/group chat để mời các cha mẹ tham gia trở thành Cộng tác viên online dưới hình thức mua sắm các sản phẩm của sàn TMĐT khác để hưởng hoa hồng và tăng khả năng trúng tuyển của con mình. Nhiệm vụ của các Cộng tác viên online là tham gia làm nhiệm vụ mua sản phẩm số tiền tăng dần và chuyển khoản vào tài khoản do chúng quản lý.

Nguồn Internet
Nguồn Internet

- Các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn như sau: với các nhiệm vụ do Cộng tác viên online thực hiện lần thứ thứ nhất, thứ hai thì chúng trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ rất đầy đủ (bao gồm tiền gốc đã chuyển khoản cho chúng + hoa hồng từ 10-15%) vào tài khoản người tham gia (Cộng tác viên online) để tạo tin tưởng.
Khi số tiền chuyển tăng cao, chúng giở trò. Nếu cú pháp hoặc số tiền chuyển khoản sai sẽ phải chuyển lại cho đúng. Nếu không kịp thời hạn quy định của chúng, phải nộp thêm tiền để được gia hạn, lúc đấy mới được ứng tuyển và hoàn tiền. Nếu không đáp ứng các quy định trên, sẽ bị mất tiền. Đến giai đoạn này, sợ mất tiền nên phụ huynh thường chuyển thêm tiền. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiếp, vì không đúng cú pháp, cứ như vậy, số tiền tăng dần.
 
 

Hầu hết các nạn nhân (Cộng tác viên online) chỉ bị phát hiện lừa đảo sau khi đã chuyển khoản cho các đối tượng này từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng cho chúng mà không nhận lại được tiền gốc và bị chúng xóa ra khỏi các nhóm trao đổi.
3. Căn cứ khuyến cáo của Cục TMĐT và KTS và Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công An, Công an tỉnh Đồng Nai khuyến cáo tới người dân như sau:
- Đặc biệt cẩn trọng đối với các chương trình tuyển sinh không gian mạng và hạn chế gửi hình ảnh của con nhằm phòng ngừa đối tượng lợi dụng với mục đích xấu. Nên kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả thường sẽ bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Các tài khoản đăng tải thông tin nếu là tài khoản ảo, thông tin liên hệ không rõ ràng, không xác định được định danh thì khả năng cao đều lập ra với mục đích lừa đảo. Trường hợp cần thiết để tham gia tuyển sinh, phụ huynh nên đề nghị được gặp mặt trực tiếp để phòng tránh các chiêu trò lừa đảo qua mạng. Tuyệt đối không click vào những đường link lạ.
- Không tham gia vào các nhóm tuyển Cộng tác viên online; không làm việc với nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải chuyển tiền, nộp tiền trước khi chưa có thông tin xác thực, đặc biệt là thông tin chính thức từ các nhà tuyển dụng, thương hiệu. Chỉ thực hiện giao dịch chuyển tiền khi xác định chắc chắn định danh của người mình trao đổi.
- Không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Viber… không quen biết.
- Có thể trao đổi với người thân trước khi quyết định “tham gia thử” với số tiền nhỏ vì người thân có thể tỉnh táo, giúp bạn phát hiện điểm đáng ngờ và cho bạn lời khuyên đúng đắn, kịp thời.
- Các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu cần cảnh báo/thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, website và trang mạng xã hội của doanh nghiệp, v.v...) về những hành vi lừa đảo nêu trên trên để người dân biết và phòng tránh.
- Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa và trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu về hành vi thủ đoạn như trên.
- Khi đã nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhanh chóng dừng ngay việc chuyển khoản cho đối tượng và trình báo với cơ quan Công an gần nhất. Tránh tiếc tiền mà tiếp tục chuyển tiền cho đối tượng vì sẽ mất “cả chì lẫn chài”./.
Lê Thương

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Công an tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả: