Cuộc chiến có sự tham gia của đại đa số các quốc gia trên thế giới, bao gồm tất cả các cường quốc như Đức, Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô,… tạo thành hai liên minh quân sự đối lập: Đồng Minh và Phe trục phát-xít. Các bên tham chiến chính đã dồn toàn bộ nguồn lực kinh tế, công nghiệp và khoa học cho nỗ lực tham chiến, làm mờ đi ranh giới giữa nguồn lực dân sự và quân sự. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cục diện chính trị lẫn cấu trúc xã hội toàn cầu thay đổi. Ngày 26/6/1945, Tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) được thành lập nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế và ngăn chặn các cuộc xung đột trong tương lai. Các cường quốc chiến thắng, bao gồm Trung Quốc, Pháp, Liên Xô, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Hình ảnh Quốc kỳ Việt Nam tại Trụ sở Liên Hợp quốc
Hình ảnh Quốc kỳ Việt Nam tại Trụ sở Liên Hợp quốc
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tình hình kinh tế đất nước ta thời điểm này cực kỳ khó khăn, giặc đói cùng với giặc dốt là bạn đồng minh của giặc ngoại xâm. Do các cường quốc vừa thoát ra khỏi chiến tranh thế giới hai, nên Việt Nam chưa được nước nào ủng hộ về chính trị, kinh tế. Chính vậy, ngay sau khi tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (9/1945), Hồ Chủ tịch đã chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ngoài chủ trương “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” và “Tự lực cánh sinh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong lời kêu gọi gửi tới Liên hợp quốc năm 1946, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”.
Theo tư tưởng của Người, hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn vốn, khoa học - công nghệ, thị trường nhằm phát triển kinh tế, phát huy sức mạnh nội lực, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích chung mỗi nước, mỗi dân tộc.
Cũng chính vì vậy, mà ngay trong những ngày đầu lập nước và trong suốt thời gian sống và làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chuyến thăm, làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới để vừa xây dựng, tang cường mối quan hệ đối ngoại hữu nghị, vừa tranh thủ sự hợp tác quốc tế về kinh tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường xây dựng
Nhà máy thủy điện Irkutsk trên sông Angara, Nga, tháng 7/1955
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường xây dựng
Nhà máy thủy điện Irkutsk trên sông Angara, Nga, tháng 7/1955
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một loạt các chuyến thăm tới các nước XHCN và nhân dân thế giới. Chuyến thăm đầu tiên của Người đến Liên –Xô, Trung Quốc và Mông Cổ (năm 1955). Năm 1957, 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm các nước XHCN ở Đông Âu, Ấn Độ và Mianmar. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Indonesia – quốc gia vạn đảo.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp tác quốc tế, nên ngay từ rất sớm, Đảng ta đã xây dựng chiến lược phát triển, có các chỉ đạo triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan; do cục diện chính trị thế giới từng giai đoạn có sự thay đổi, ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc (LHQ), đây là một quá trình đầy gian nan, thử thách để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế và ngày 29/6/1978, Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế các nước XHCN (gọi tắt là SEV). Hội đồng Tương trợ Kinh tế các nước XHCN được thành lập tháng 1/1949 ban đầu gồm Liên xô, Albania, Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Tiệp Khắc, Romania, sau đó thêm Đông Đức (1950), Mông cổ (1962), Cuba (1972), và cuối cùng là Việt nam (1978). Mục đích thành lập là để SEV là đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước XHCN, như: phân công sản xuất theo chuyên ngành, đẩy mạnh mua bán và trao đổi hàng hóa, phát triển công, nông nghiệp, giao thông vận tải và hợp tác khoa học kỹ thuật. Đến năm 1991, trước sự sụp đổ chế độ XHCN ở các nước Đông Âu sự tồn tại của Hội đồng Tương trợ Kinh tế các nước XHCN không còn thích hợp nữa, hội nghị đại biểu các nước thành viên ngày 28/6/1991 quyết định chấm dứt mọi hoạt động.
Phòng ANKT