* Đối với hộ gia đình
1. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ, người dân phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Tắt hết các thiết bị điện không sử dụng trước khi ra khỏi nhà. Nếu cần thiết có thể tắt hẳn cầu dao điện tổng của cả căn nhà nếu không ở nhà dài ngày.
2. Trang bị bình chữa cháy xách tay, các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ, phương tiện thoát nạn để kịp thời chữa cháy và thoát hiểm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
3. Chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn, mở lối thoát nạn thứ 2, phổ biến phương án thoát hiểm cho người thân trong gia đình biết. Không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.
4. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít và để ở khu vực riêng biệt, đảm bảo ngăn cách an toàn với các khu vực khác.
5. Nhờ người thân, hàng xóm hoặc bạn bè thân thiết... đến trông nhà (trong trường hợp có thể) hoặc gọi điện báo cho chủ hộ, chủ phòng trọ nơi mình đang thuê giúp trông coi, theo dõi để kịp thời phát hiện những bất thường nếu có sự cố hay cháy, nổ xảy ra.
6. Nên thực hiện việc lắp đặt camera quan sát nhà ở qua điện thoại để kịp thời cảnh báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nếu chẳng may có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy xách tay được trang bị tại nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy xách tay được trang bị tại nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
* Đối với người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở, Trung tâm thương mại, giải trí
1. Tại nơi vui chơi giải trí, tập trung đông người phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả cơ sở, công trình và cho từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn tại nơi quy định; có giải pháp ngăn lửa và chống tụ khói cho lối thoát nạn.
2. Tăng cường phổ biến, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên thực hiện tốt các nội quy bảo đảm an toàn PCCC trong cơ quan, doanh nghiệp. Tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót về PCCC.
3. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, duy trì các điều kiện an toàn PCCC trong quá trình hoạt động, sản xuất. Sắp xếp vật tư, hàng hóa gọn gàng đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và ngăn cháy theo quy định. Thường xuyên vệ sinh công nghiệp, làm sạch thiết bị máy móc và bụi trong dây chuyền công nghệ sản xuất.
4. Kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện PCCC, công cụ phá dỡ (hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy, bình chữa cháy; búa, kìm cộng lực, đèn pin, mặt nạ phòng độc, thang, dây hạ chậm, nguồn nước…) để kịp thời xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.
5. Tắt hết các thiết bị điện không sử dụng khi ra khỏi cơ quan, cơ sở kinh doanh, công ty, xưởng sản xuất, quầy hàng... để nghỉ Lễ dài ngày. Nếu cần thiết có thể tắt hẳn cầu dao điện tổng của cả cơ sở, cửa hàng, công ty, xưởng sản xuất nếu không hoạt động trong dài ngày. Cắt cử lực lượng bảo vệ thường trực 24/24h tại công ty.
6. Đối với cơ quan, doanh nghiệp: thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC theo quy định trong quá trình sản xuất và khi nghi Lễ, ngừng hoạt động, sản xuất và khi hoạt động trở lại nên vận hành từng công đoạn, tránh đồng loạt vận hành đóng điện sẽ gây quá tải, chạm chập gây cháy, nổ...
7. Người dân khi đến những nơi tập trung đông người cần thực hiện đầy đủ nội quy, quy định về PCCC, quan sát những nơi đặt bình chữa cháy, biển chỉ dẫn và sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
8. Trang bị đầy đủ các trang thiết bị chữa cháy tại chỗ (bình chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động, phương tiện tháo dỡ, phương tiện cứu nạn, cứu hộ...) sắp xếp, bố trí ở những nơi đúng quy định, thuận tiện sử dụng khi có sự cố xảy ra... Không chứa cồn, hóa chất, chất cháy gần các khu vực nhà bếp, phòng server/phòng dữ liệu, nhà kho, phòng làm việc có nhiều các đồ điện tử, hóa chất,...

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra công tác thường trực chiến đấu của Đội PCCC cơ sở trên địa bàn tỉnh
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra công tác thường trực chiến đấu của Đội PCCC cơ sở trên địa bàn tỉnh
* Đối với các phương tiện vận tải vận chuyển hành khách
- Trang bị đầy đủ bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ theo quy định để có thể kịp thời xử lý các sự cố cháy, nổ khi mới phát sinh và thoát hiểm an toàn.
- Khi phát hiện thấy có khói, nhiệt độ cao bất thường, mùi khét, người điều khiển xe cần bình tĩnh tắt khóa điện, đỗ, dựng xe ở lề đường xa nơi có nhiều người, nhiều chất dễ cháy. Nhanh chóng sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu được trang bị trên xe để dập tắt đám cháy.
- Nếu có người bị nạn, nhanh chóng đưa người bị nạn ra ngoài bằng cách cõng, vác, bế nạn nhân. Trong trường hợp có trẻ nhỏ cần nhanh chóng hỗ trợ, hướng dẫn hoặc bế, cõng trẻ nhỏ di chuyển thoát nạn an toàn.
- Trường hợp trong xe có khói, người ngồi trong xe nhanh chóng sử dụng khăn, vải ướt bịt mũi và miệng di chuyển hạ thấp trọng tâm cơ thể thoát ra ngoài.
- Khi cửa bị kẹt không thể mở, ô cửa sổ trên xe để thoát ra bên ngoài, những người trong xe cần nhanh chóng sử dụng các vật dụng như búa phá kính, bình chữa cháy, giày cao gót... để phá kính ở cửa hoặc ô cửa sổ thoát ra ngoài (lưu ý tránh việc đập kính trước bởi đây là kính chịu lực nên sẽ khó vỡ hơn kính ở cửa sổ bên, và điểm dễ vỡ nhất là mép cửa sổ).
- Khi di chuyển thoát nạn từ trong ô tô không nên mang theo các vật dụng có kích thước lớn, cản trở lối di chuyển thoát nạn của các hành khách khác trên xe. Sau khi xuống xe, di chuyển ra xa khu vực dừng xe bởi xe có thể bất ngờ phát nổ và gây thương tích.

Xe tải cháy rụi trên cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, đoạn qua huyện Long Thành vào trưa ngày 09/4/2025
Xe tải cháy rụi trên cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, đoạn qua huyện Long Thành vào trưa ngày 09/4/2025
* Đối với việc phòng chống đuối nước khi về quê, đi du lịch
- Cần dạy cho trẻ em biết được mối nguy hiểm của đuối nước, không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố; không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
- Chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.
- Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển.
- Chấp hành nghiêm túc quy định về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.
- Tại các gia đình: Nếu gia đình ở gần các ao, hồ, sông suối: cần làm cửa chắn, rào chắn quanh khu vực nhà giáp với ao hồ nguy hiểm; làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho miệng giếng, miệng bể nước; Lấp kín các hục, hố nước sâu nguy hiểm.
- Phụ huynh (người lớn) cần trang bị cho mình về kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, lấy dị vật đường thở… để có thể sơ cứu người bị đuối nước.
Phòng CS.PCCC và CNCH