Cùng với lịch sử phát triển đất nước, công tác quản lý đất đai cũng dần được hoàn thiện. Nội dung cơ bản của công tác quản lý đất đai được thể hiện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống văn bản này cũng dần được hoàn thiện, từ chỗ chỉ là những văn bản dưới luật, có cả những văn bản chỉ quy định tạm thời đến chỗ Nhà nước ban hành. Có thể chia nội dung cơ bản của công tác quản lý đất đai từ năm 1945 đến nay thành 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1987: Việt Nam chưa có Luật Đất đai. Giai đoạn này bao gồm toàn bộ thời kỳ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945- 1975). Trong đó, từ năm 1945-1954, nước ta thực hiện Cách mạng dân tộc dân chủ; từ năm 1954-1975 nước ta thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam. Đặc trưng cơ bản của chính sách ruộng đất trong thời kỳ này là: khai hoang, vỡ hoá, tận dụng diện tích đất đai để sản xuất nông nghiệp; tịch thu ruộng đất của thực dân, việt gian, địa chủ phong kiến chia cho dân nghèo; chia ruộng đất vắng chủ cho nông dân. Đồng thời, giai đoạn này còn gồm cả thời kỳ đầu của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ khi thống nhất đất nước cho đến khi bắt đầu đổi mới (1976- 1987), cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội theo nền kinh tế kế hoạch.
Sau 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu kinh tế kế hoạch, đến năm 1986, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta bắt đầu công cuộc đổi mới, xoá bỏ bao cấp, chuyển sang nền kinh tế hạch toán kinh doanh. Trước tình hình đó, ngày 29 tháng 12 năm 1987, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật đất đai đầu tiên - Luật Đất đai 1987. Luật này được công bố ban hành bằng Lệnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ngày 08 tháng 01 năm 1998. Luật Đất đai 1987 gồm 57 điều, chia thành 6 chương. Giai đoạn này, công tác quản lý đất đai đã bắt đầu đi vào nề nếp và đặc biệt chú ý tới việc xác định, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp địa phương.
- Sau giai đoạn bắt đầu đổi mới (từ 1986-1991), hệ thống pháp luật về đất đai đã ban hành, nhưng còn thiếu nhiều quy định và nhiều bất cập, chưa đáp ứng được tình hình đổi mới của đất nước. Vì vậy, Hiến pháp 1992 ra đời, trong đó quy định: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân" (Điều 17), "Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả" (Điều 18). Để phù hợp với giai đoạn mới và thực hiện đổi mới toàn diện nền kinh tế, cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992, khắc phục những hạn chế của Luật Đất đai 1987, ngày 14 tháng 7 năm 1993, Quốc hội khoá IX thông qua Luật Đất đai 1993 gồm 89 điều, 7 chương.
- Giai đoạn 1993 – 2013: Tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Đất đai năm 2003 gồm có 146 điều, 7 chương; Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Đất đai năm 2013 thay thế cho Luật Đất đai năm 2003, có thêm 7 chương và 66 điều với 11 điểm mới nổi bật, đầy đủ, hoàn thiện hơn và được thực hiện tới ngày 31/7/2024.
- Giai đoạn từ 2013 đến tháng 7/2024: Thực tiễn phát triển kinh tế xã hội đã cho thấy Luật Đất đai năm 2013 còn nhiều bất cập; Việc quản lý đất đai cũng đang trở thành một “vấn đề nóng bỏng”; khoảng 90% tổng số các vụ khiếu kiện có nguyên nhân từ đất đai; tình trạng "tham nhũng liên quan tới đất đai được nhận định là ngày càng trở nên phổ biến"... Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là cần thiết phục vụ hội nhập và phát triển kinh tế xã hội. Ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Đất đai 2024, gồm 260 điều, 16 chương, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.
Việc Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở gồm 198 điều, 13 chương và Luật Kinh doanh bất động sản gồm 83 điều, 10 chương, cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 được dư luận quần chúng nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đồng thuận cao chắc chắn sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tình Đồng Nai nói riêng.
Kỳ tới: Những điểm mới của Luật Đất đai 2024.Phòng An ninh kinh tế