Thời gian qua, mạng xã hội như Zalo, Facebook, Skype,… rất phổ biến và được nhiều người sử dụng, từ giới trẻ đến những người trung niên. Sự tiện ích của mạng xã hội đã giúp cho con người có thể kết bạn, trò chuyện một cách thân mật dù ở cách xa hàng trăm kilômét. Bên cạnh tiện ích đó thì cũng có nhiều đối tượng bất hảo lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an Tây Ninh đã phát hiện bắt giữ hàng loạt băng nhóm lừa đảo thông qua mạng xã hội. Kết bạn để trộm tài sản
Hàng ngày, đối tượng phạm tội lên mạng xã hội Facebook hoặc Zalo để kết bạn làm quen với các nam thanh niên. Sau khi tạo được mối quan hệ thân thiết, đối tượng hẹn gặp mặt “con mồi” rồi rủ đi uống cà phê, ăn nhậu, karaoke. Tiếp đó, giả vờ mượn xe đi đón bạn đến chơi, mua card điện thoại… chiếm đoạt xe tẩu thoát. Có được “chiếm lợi phẩm”, cả nhóm mang xe qua Campuchia bán lấy tiền mua ma túy sử dụng và tiêu xài. Hết tiền, cả bọn lại thay đổi chỗ ở và đổi tên Facebook, Zalo tiếp tục gây án.
Đó là thủ đoạn hoạt động nhóm đối tượng gồm: Ngô Quang Hiển (20 tuổi), Phạm Văn Sự (22 tuổi, cùng ngụ xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu), Nguyễn Văn Vũ (21 tuổi, ngụ ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) và Trương Minh Trí (18 tuổi, ngụ xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu). Nhóm này đã bị Công an huyện Gò Dầu bắt giữ mở rộng điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, hàng ngày, bọn chúng thường xuyên thay đổi chỗ ở bằng cách thuê nhà nghỉ ở chung. Cả bọn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong nhóm. Trong đó, các đối tượng giả nữ lên mạng xã hội Facebook hoặc Zalo để kết bạn làm quen với các nam thanh niên. Khi nam thanh niên thấm tình, chúng sẽ hẹn gặp mặt rồi giả vờ mượn xe đi đón bạn đến chơi, chiếm đoạt xe tẩu thoát. Chúng đã thực hiện trót lọt 7 vụ trên địa bàn huyện Gò Dầu. Tổng tài sản thiệt hại 14 triệu đồng.
Lừa 15 bạn đồng tính cướp tài sản
Phạm Văn Mĩ (SN 1989, ngụ xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Nhựt Phương Hải (SN 1990, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, Long An) là người đồng tính. Cả hai lợi dụng mạng xã hội Zalo tìm những người đồng tính nam kết bạn, sau đó rủ nạn nhân đến phòng trọ quan hệ tình dục. Lợi dụng lúc nạn nhân không đề phòng, chúng bỏ thuốc mê vào ly mước rồi cho nạn nhân uống. Chờ nạn nhân bất tỉnh, chúng cướp hết tài sản rồi cùng nhau tẩu thoát.
Cặp đôi Mĩ-Hải bị bắt giữ.
Khi bị Công an huyện Dương Minh Châu bắt giữ, Mĩ - Hải khai nhận, do túng tiền tiêu xài lại mê cờ bạc nên cả hai bàn bạc lên mạng xã hội Zalo tìm những người đồng tính nam kết bạn để gây án. Các tài sản cướp được, chúng mang qua Campuchia bán lấy tiền tiêu xài và đánh bạc. Đến ngày xộ khám, chúng đã thực hiện 15 vụ cướp tài sản trên địa bàn các huyện gồm: Gò Dầu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu, TP Tây Ninh, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh và Long An.
Đánh vào lòng tham của “con mồi”
Ngoài các chiêu trò trên, những đối tượng phạm tội còn gọi điện thoại giả danh hay móc nối với người nước ngoài gốc Châu Phi tạo ra các nick name kết bạn với một số phụ nữ Việt Nam qua mạng facebook, skype,… Sau đó, đối tượng gửi tin nhắn tình cảm, hứa hẹn gửi những thùng hàng bên trong có nhiều tài sản có giá trị.
Vào đầu tháng 4-2016, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh bắt tạm giam Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1987, ngụ ấp Bàu Tép, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh) trong đường dây lừa đảo qua mạng xã hội Facebook để chiếm đoạt gần 15 tỷ đồng từ các nạn nhân cả tin.
Đến tháng 6-2015, Trang móc nối với những người đàn ông nước ngoài gốc châu Phi tạo ra các nick name tên người nước ngoài giả làm doanh nhân, giàu có… rồi kết bạn với phụ nữ Việt Nam qua mạng Facebook, Skype,… Sau đó, gửi tin nhắn hứa hẹn tình cảm. Để làm tin, các đối tượng hứa gửi về Việt Nam những thùng hàng bên trong có nhiều tài sản có giá trị hoặc điện thoại cho nạn nhân thông báo có người thân gửi quà là tiền… cho họ.
Chị N.T.N (ngụ huyện Châu Thành), chia sẻ: “Hôm đó, chị đang làm thì có một số điện thoại lạ gọi đến cho biết, chị có người bạn ở nước ngoài gửi tiền về cho chị. Ban đầu, chị trả lời rằng đã nhầm số và hiện tại chị không có ai là người quen ở nước ngoài. Người lạ khẳng định địa chỉ và tên chị ở phần người nhận quà. Sau một hồi trò chuyện, chị mới suy nghĩ lại và phân vân không biết người gửi có phải là người bạn gái thuở nhỏ hay không? Đang bán tín, bán nghi… người lạ cho biết thêm, quà của chị đã gửi về đến Malaysia nhưng bị vướng một số thủ tục nên chưa thể gửi về Việt Nam”.
Tiếp đó, các đối tượng sẽ giả danh nhân viên Hải quan tại sân bay để yêu cầu các nạn nhân gửi tiền vào tài khoản do chúng chỉ định để đóng phí vận chuyển, phí hải quan,... thì mới nhận được hàng, nếu không thì hàng bị tịch thu hoặc chuyển trả người gửi. Trang trực tiếp mở 4 tài khoản ở các ngân hàng và đồng thời móc nối với Huỳnh Thị Ngọc Phương (SN 1995, ngụ ấp Hiệp Hòa, xã Hiệp Tân, Hòa Thành, Tây Ninh) làm thêm 11 thẻ ATM, visa khác. Khi nạn nhân tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản, các đối tượng nhanh chóng rút tiền, chia nhau tiêu xài. Tính đến thời điểm bị bắt, bọn chúng đã lừa tổng cộng 80 nạn nhân, chiếm đoạt gần 15 tỷ đồng và 24.000 USD.
Cơ quan Công an tiếp nhận trình báo vụ việc
Chị N.T.N, cho biết thêm: “Sau khi nghe điện thoại, chị nghĩ là người bạn gái gửi quà cho chị nên chị đã tin tưởng gửi tiền cho chúng để nhận được quà. Lúc đầu, chúng yêu cầu chị gửi 12 triệu đồng vào tài khoản một ngân hàng rồi hẹn khoảng 2 ngày thì quà đến. Chờ 2 ngày không thấy quà, chị gọi điện lại và được chúng thông báo vẫn còn vướng thủ tục và bảo chị tiếp tục gửi thêm 50 triệu đồng nữa,… Đến khi gia đình không còn tiền, chị phải vay mượn tiền bạn bè gửi cho chúng để mong nhận được quà… Sau nhiều lần gửi tiền, tổng số tiền chị đã gửi là hơn 180 triệu đồng.”
Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Trần Văn Luận, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh, cho biết: Hiện nay, tội phạm hoạt động rất chuyên nghiệp. Chúng phân công vai trò rõ ràng, người nào chuyên lên Facbook tán tỉnh những cô gái Việt Nam. Khi gặp trường hợp nạn nhân yêu cầu xem nhà cửa, xưởng, công ty,… hợp đồng có giá trị lớn thì chúng đã chuẩn bị sẵn để nạn nhân thấy và tin tưởng thật sự. Nói chung, khi nạn nhân yêu cầu gì chúng cũng tìm cách đáp ứng ngay. Từ đó, dẫn đến nhiều nạn nhân tin tưởng và lọt vào bẫy của chúng.
Qua đây cũng cảnh báo cho người dân biết phương thức thủ đoạn để họ phòng ngừa tội phạm. Khi kết bạn trên mạng xã hội không nên cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân của mình như: Số CMND, tài khoản ngân hàng hoặc các địa chỉ người thân trong gia đình,… Đặc biệt, các đối tượng người gốc Phi ở nước ngoài có nhã ý gửi hàng hóa, quà có giá trị thì phải yêu cầu người gửi, gửi trực tiếp đến địa chỉ mình cho sẵn mà không được nghe theo sự hướng dẫn của chúng để gửi tiền.
Ngoài ra, mọi trường hợp giao dịch mua bán hàng hóa trên mạng xã hội, phải yêu cầu nhà cung cấp giao tận địa chỉ. Qua đó, phải kiểm tra mẫu hàng hóa, nhãn hiệu xem có đúng như chất lượng thông tin sản phẩm hay không rồi mới giao tiền. Nếu gặp trường hợp nào biểu hiện nghi ngờ đề nghị người dân kịp thời trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ phát hiện, bắt giữ kẻ lừa đảo.
Từ những vụ cướp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên không chỉ cảnh báo một loại tội phạm mới đang xảy ra trong xã hội, mà còn cảnh tỉnh mỗi người hãy nêu cao cảnh giác khi gặp phải sự việc tương tự. Cảnh giác chính là cách phòng ngừa tội phạm hiệu quả góp phần bảo vệ an toàn tài sản bản thân và tránh phát sinh tội phạm cho xã hội!
Nguồn báo điện tử CAND
|