VOA trích dẫn thông tin từ Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Hoa Kỳ ra lời kêu gọi Việt Nam “trả tự do cho các tù nhân” Y Krếch Byă, Phạm Đoan Trang... nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế của Liên hiệp quốc chống tra tấn.
Về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy:
Đòi hỏi trả tự do cho Y Krếch Byă, Phạm Thị Đoan Trang là phi lý.
Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos cho rằng, Y Krếch Byă bị bắt giữ vì lãnh đạo cộng đồng tôn giáo của họ, đồng thời bị tra tấn và bỏ mặc về mặt y tế. Tuy nhiên, các cáo buộc này không dựa trên các bằng chứng xác thực và không phản ánh đúng bản chất của sự việc. Y Krếch Byă bị bắt giữ không phải vì lý do tôn giáo mà vì vi phạm pháp luật Việt Nam, phạm tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự. Cơ quan tiến hành tố tụng xác định, Y Krếch Byă và một số đối tượng đã có hành vi phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, tổ chức hàng trăm buổi hội họp tập huấn trực tuyến, chỉ đạo thu thập các thông tin, tài liệu nhằm xuyên tạc, gây chia rẽ giữa người dân với chính quyền và lực lượng vũ trang, chia rẽ giữa người dân theo các tôn giáo khác nhau.
Bị cáo Phạm Thị Đoan Trang tại phiên toà phúc thẩm, tháng 8/2022.
Bị cáo Phạm Thị Đoan Trang tại phiên toà phúc thẩm, tháng 8/2022.
Một số đối tượng còn có hành vi trực tiếp lôi kéo phát triển mạng lưới cơ sở theo chỉ đạo của nhóm Fulro lưu vong. Việc bắt giữ và xử lý đối tượng là hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật và không liên quan đến vấn đề tôn giáo.
Về đối tượng Phạm Thị Đoan Trang, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos cho rằng, Trang “bị bỏ tù vô cớ vì làm công việc báo chí và bị tra tấn, bỏ bê về mặt y tế kể từ khi bị bắt vào năm 2020”. Tuy nhiên, đây lại là một nhận định thiếu căn cứ và không phản ánh đúng hành vi đã diễn ra trong thực tế, các bằng chứng thu thập được để phản ánh về vấn đề “nhân quyền” chủ yếu dựa trên cơ sở nhận định chủ quan, thông qua các nguồn sai lệch. Phạm Thị Đoan Trang không bị bắt giữ vì hoạt động báo chí mà do những hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam. Cơ quan tiến hành tố tụng khẳng định, trong khoảng thời gian từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung tuyên truyền chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Phạm Thị Đoan Trang còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân...
Sự thiếu khách quan trong báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos
Các báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos thiếu khách quan và không dựa trên các bằng chứng xác thực với những gì đang diễn ra thực tế tại Việt Nam hiện nay. Họ dựa vào các thông tin một chiều từ các tổ chức, cá nhân chống phá Việt Nam dễ dẫn đến những nhận định sai lệch. Thực tế, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos đang thiếu bằng chứng thuyết phục để đưa ra cáo buộc về tình trạng sức khỏe, y tế, các điều kiện của các phạm nhân Y Krếch Byă, Phạm Thị Đoan Trang. Các báo cáo nhân quyền đang bị lạm dụng bởi những định kiến, ý chí cá nhân và bị chi phối bởi các mục đích chính trị nhằm gây sức ép và tạo áp lực đối với Việt Nam trên trường quốc tế. Không thể sử dụng chiêu bài “nhân quyền” để đưa ra các đánh giá sai trái, lấy cớ can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.
Không thể tạo tiền lệ xấu, khuyến khích hành vi phạm tội
Quyền con người là toàn bộ các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được thể chế hoá (ghi nhận) trong pháp luật quốc tế và pháp luật mỗi quốc gia. Sự tiến bộ của một quốc gia được ghi nhận hay không còn phụ thuộc vào mức độ tôn trọng, đảm bảo quyền con người và thể chế chính trị quốc gia. Các quốc gia trên thế giới đều theo đuổi giá trị nhân quyền và chỉ khi nhân quyền được đảm bảo thì quốc gia đó mới được coi là phát triển, phồn vinh. Chúng ta hoàn toàn không phủ nhận sự tiến bộ, văn minh về quyền con người của các quốc gia phương Tây, về những giá trị nhân bản, cốt lõi mà họ đã làm được. Tuy nhiên, lợi dụng quyền con người lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Sử dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia, điều đó bị coi là lạm dụng nhân quyền để toan tính lợi ích chính trị, đó là hành động phi lý, đi ngược lại với luật pháp quốc tế và xâm phạm vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Hiển nhiên, hành động như vậy bị các quốc gia đó tẩy chay, bị cộng đồng quốc tế lên án.
Việt Nam là quốc gia đã từng bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc chà đạp về nhân quyền nghiêm trọng khi đem quân gây chiến tranh xâm lược và buộc nhân dân Việt Nam phải đoàn kết, đứng lên kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ quyền con người. Do đó, Việt Nam luôn đấu tranh vì nhân quyền và đặc biệt coi trọng quyền con người. Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền lợi của mọi công dân, bao gồm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, ngôn luận. Tuy nhiên, điều hoàn toàn không thể đảo ngược, đó là không ai được phép lợi dụng tôn giáo, lợi dụng nhân quyền để vi phạm pháp luật, phạm tội, để can thiệp vào các công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Việc trả tự do cho các đối tượng vi phạm pháp luật, phạm tội dựa trên suy đoán cá nhân, các quan điểm, ý kiến thiếu căn cứ có thể tạo ra tiền lệ xấu, khuyến khích các hành vi phạm pháp trong tương lai.
Một khi luật pháp đã ban hành, các quy tắc xử sự về luật pháp đã được người dân nắm bắt thì mọi hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, chống lại quyền, lợi ích của Nhà nước, xã hội. Việc trả tự do một cách vô căn cứ vừa trái với nguyên tắc luật định, vừa khuyến khích các hành vi vi phạm khác tương tự như Y Krếch Byă, Phạm Thị Đoan Trang, tất yếu tạo tiền lệ xấu.
Cần tôn trọng pháp luật và quy định quốc tế về các quyền tự quyết quốc gia
Trong thế giới đa cực hiện nay, để tạo sự công bằng, thúc đẩy sự tiến bộ của loài người, mọi quốc gia đều có quyền xây dựng và thực thi pháp luật để bảo vệ an ninh quốc gia và quyền lợi của công dân mình. Hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền là đi ngược lại nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Mọi cá nhân, tổ chức cần tôn trọng pháp luật Việt Nam và không được lợi dụng các vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Mỗi quốc gia có quyền tự do và độc lập trong việc xây dựng và thực thi pháp luật của mình. Việc can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác là vi phạm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos cần tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm việc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và tôn trọng quyền tự quyết của mỗi dân tộc, trong đó có Việt Nam.
Như vậy, những cáo buộc của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos về tình hình nhân quyền tại Việt Nam là thiếu căn cứ và không phản ánh đúng sự thật. Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền lợi của mọi công dân và tuân thủ các quy định của pháp luật quốc gia cũng như luật pháp quốc tế. Hiểu đúng và công bằng về tình hình thực tế là rất quan trọng để tránh những đánh giá sai lệch, đồng thời duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế trên cơ sở tin tưởng, tin cậy và hỗ trợ cho nhau để bảo đảm và nâng cao giá trị quyền con người.
Nguyễn Huân - https://cand.com.vn/