Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Di cư bất hợp pháp ra nước ngoài của công dân Việt Nam và những hệ lụy
Vấn đề di cư trái phép và đưa người di cư trái phép vẫn là một thách thức rất lớn đối với công tác quản lý di cư khi một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về di cư hợp pháp và mạo hiểm lựa chọn các cách thức di cư thiếu an toàn, thậm chí đe dọa đến tính mạng (như việc “tự nhốt” trong các container chở hàng) trong bối cảnh hoạt động tội phạm đưa người di cư trái phép ngày càng tinh vi.
Thời gian qua, công tác quản lý xuất nhập cảnh, đấu tranh, phát hiện ngăn chặn tình trạng di cư trái phép cũng như việc tuyên truyền về di cư hợp pháp, an toàn đã được tiếp tục đẩy mạnh. Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thoả thuận GCM) theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, với nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư. Do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, trình độ học vấn thấp, kiến thức về pháp luật hạn chế và mong ước đổi đời của một bộ phận công dân đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo trốn đi nước ngoài thu lợi bất chính.
Tình trạng công dân Việt Nam di cư trái phép vào các nước Châu Âu, Nhật Bản với các mục đích lao động tìm kiếm việc làm, cư trú bất hợp pháp vẫn tiếp diễn khá phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đa số các vụ việc đưa người Việt Nam di cư trái phép đều liên quan đến các đường dây tội phạm có kết nối với các băng đảng sở tại và quốc tế một cách chặt chẽ (Việt Nam là một mắt xích trong đường dây tội phạm đưa người di cư có tổ chức). Đặc biệt tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép ở Châu Âu còn có các hoạt động tội phạm liên quan đến buôn bán sử dụng ma túy, chất gây nghiện. Trên thực tế, có nhiều người Việt khi bị đưa đi di cư trái phép bị ép buộc làm việc để trả số tiền vay nợ cho chuyến đi, tập trung các cơ sở kinh doanh người Việt hoặc có chủ nhà hàng người Trung Quốc. Quá trình di cư trái phép vào Châu Âu, mỗi người đều phải qua nhiều nước với giấy tờ giả, phải lẩn trốn trong các nhà hoang, bìa rừng, trong các thùng đông lạnh, nhà kho qua nhiều tháng trời mới đến được điểm tập kết, trong đó có nhiều người bị xâm hại. Nhiều người lao động trồng cần sa ở Anh phải sống trong những ngôi nhà không có ánh sách mặt trời, chỉ dùng ánh sáng điện 24/24... trong điều kiện thiếu thốn luôn nơm nớp lo sợ không biết bị cảnh sát bắt lúc nào chưa kể bị các băng nhóm thanh toán, đánh đập, bắt giết. Lao động bất hợp pháp ở các nước Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc (Đài Loan), Đức, Nga, các nước Đông Nam Á đều trong tình trạng trốn tránh, bị bóc lột sức lao động, trong điều kiện làm việc tồi tệ, nguy hiểm. Họ phải đối mặt với nhiều rủi ro như: bị chủ sử dụng lao động nước ngoài nợ lương, quỵt lương, bị quản lý chặt chẽ, đối xử ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động, có thể bị bắt giữ, đẩy đuổi về nước bất cứ lúc nào, thậm chí bị tai nạn lao động, tử vong và trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người. Tình trạng nhập cảnh, lao động bất hợp pháp và vi phạm pháp luật nước sở tại của công dân Việt Nam phần nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh con người Việt Nam tại nước ngoài. Một số nước có nhiều công dân Việt Nam nhập cảnh lao động thường có thái độ dè chừng, cảnh giác, thiếu thiện cảm đối với khách Việt Nam nhập cảnh nói chung. Tại Nhật Bản, dưới áp lực của việc trả nợ nhiều người đã rơi vào con đường phạm pháp: vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, cư trú lao động trái phép, phạm pháp hình sự đã ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Đây là những lý do mà một số cá nhân, tổ chức nước ngoài đã lợi dụng để chỉ trích Việt Nam chưa có nỗ lực đảm bảo các quyền cơ bản của con người.
Thời gian qua, các cấp chính quyền trong nước đã tiếp tục tăng cường công tác quản lý cư trú, xuất nhập cảnh; cấp phát giấy tờ xuất nhập cảnh cho công dân; đẩy nhanh tiến độ xác minh các trường hợp không được nước ngoài cho cư trú hoặc trục xuất; đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức nhằm ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật. Chính quyền các nước không ngừng truy quét, phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây. Gần đây nhất là việc Hải quan Pháp bắt giữ 17 người trong Container lạnh vào ngày 10/02/2021 trong quá trình kiểm tra xe trước khi đi vào đường hầm xuyên biển Manche nối Pháp với Anh. Vụ việc đã kịp thời ngăn chặn vụ việc tương tự xảy ra như vụ 39 công dân chết trong thùng đông lạnh tại Anh. Ngày 29/5/2020, 6 công dân Việt Nam đã bị cơ quan biên phòng Ucraina bắt giữ khi di chuyển trái phép qua cửa khẩu Ucraina - Hungary, 38 trường hợp vượt biên trái phép từ Rumani sang các nước Tây Âu bị phát hiện, bắt giữ.
Việc phát hiện, điều tra, truy tố người phạm tội đưa người xuất cảnh trái phép được thực hiện nghiêm khắc, có tác dụng răn đe giáo dục người phạm tội. Tất cả các vụ án đều được điều tra, xử lý nghiêm minh có tác dụng tạo niềm tin cho Nhân dân, từng bước xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Theo thống kê của cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Nai, từ năm 2000 đến năm 2014, cơ quan đã khởi tố 85 vụ với 397 bị can phạm tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Quá trình tiếp nhận hồ sơ xin cấp hộ chiếu phổ thông, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đồng Nai đến nay đã phát hiện khoảng 180 trường hợp giả mạo hồ sơ để được cấp hộ chiếu, đều được chuyển cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định.
Cán bộ quản lý xuất nhập cảnh phát khẩu trang và hướng dẫn thủ tục cho khách
Cán bộ quản lý xuất nhập cảnh phát khẩu trang và hướng dẫn thủ tục cho khách

Do đó, Công an Đồng Nai cảnh báo người dân khi có nhu cầu xuất khẩu lao động cần tìm hiểu kỹ công ty đưa người xuất khẩu lao động, chỉ nên nộp hồ sơ tại những công ty có giấy phép đưa người đi xuất khẩu lao động có uy tín, có địa chỉ rõ ràng, công khai địa điểm, địa bàn tuyển dụng, khi có nghi ngờ cần báo ngay cho cơ quan chức năng. Không tùy tiện đưa giấy tờ tùy thân cho người khác. Bên cạnh đó, cần cảnh giác với những lời rủ rê của đồng hương, làng xóm, thân quen, có thể vì tiền họ sẽ bất chấp pháp luật, tình nghĩa để trục lợi.
Võ Thị Hồng Thương

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang