Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Bốn trường hợp phải đi cai nghiện ma túy bắt buộc
Với 94,58% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiều ngày 30/3/2021, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Đây là dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và là dự thảo luật duy nhất mà Quốc hội thảo luận và thông qua trong Kỳ họp cuối cùng của khóa XIV. Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) bao gồm 08 chương, 55 điều, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Trước đây, Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên khi thuộc một trong các trường hợp:
Thứ nhất: Đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện
Thứ hai: Chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Ngày 09/9/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, theo đó sẽ có 03 trường hợp sẽ phải áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm:
Thứ nhất, Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
Thứ hai, Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy.
Thứ ba, Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.
Như vậy, ngoài 3 trường hợp trên người nghiện ma túy cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc đều không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung của Chính phủ năm 2013, 2016 đối với chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, đồng thời căn cứ vào quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 32 về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với đa số đại biểu tán thành.
Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy của Quốc hội, số 73/2021/QH14 đã quy định 04 trường hợp phải đi cai nghiện bắt buộc. Theo đó, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi năm 2020) khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện.
2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
3. Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;
4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
Cả 04 trường hợp quy định trên Luật không quy định việc cần thiết phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc xác định về tình trạng nơi cư trú so với quy định trước mà quy định tập trung vào việc người nghiện ma túy có chấp hành, thực hiện việc cai nghiện tự nguyện hay không; có tiếp tục sử dụng ma túy khi đang thực hiện việc cai nghiện hay không; sau cai nghiện mà tiếp tục tái nghiện… để xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc. So với quy định trước đây, quy định của Luật sửa đổi đã bao quát, toàn diện hơn, quy định cụ thể các trường hợp và dễ áp dụng, thực hiện trong thực tiễn hiện nay.
Ngoài ra, theo Điều 22, Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi 2021, việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể được thực hiện đối với người thuộc trường hợp sau đây:
- Người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người mà cơ quan, người có thẩm quyền có căn cứ cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý;
- Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; đang cai nghiện ma túy; đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy.
Nguyễn Doanh

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang