Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Cảnh giác trước thủ đoạn lợi dụng vấn đề “phạt nguội” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Lợi dụng việc xử lý vi phạm qua hình ảnh (phạt nguội) của lực lượng Cảnh sát giao thông, nhiều đối tượng dùng thủ đoạn gọi điện thoại, mạo danh cán bộ Cảnh sát giao thông để lừa người dân nhằm chiếm đoạt tài sản.
Camera giám sát giao thông trên đường Nguyễn Ái Quốc đoạn qua P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Ảnh Báo Đồng Nai.
Camera giám sát giao thông trên đường Nguyễn Ái Quốc đoạn qua P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Ảnh Báo Đồng Nai.



Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an, trong năm 2020, hệ thống camera ghi hình phục vụ phạt nguội trên toàn quốc đã ghi nhận, phát hiện trên 120.000 trường hợp vi phạm. Cục CSGT cũng đã có tờ trình Bộ Công an về đề xuất lắp camera phạt nguội trên toàn quốc để xử phạt vi phạm. Theo đó, ngoài hệ thống camera hiện có trên một số tuyến cao tốc, Cục CSGT đề xuất lắp đặt hai loại camera giám sát, an ninh, điều khiển giao thông và camera phát hiện lỗi vi phạm trên toàn quốc, bao phủ các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hiện hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự được lắp đặt tại hầu hết các tuyến đường. Mới đây, Phòng CSGT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành khai trương hệ thống giám sát giao thông thông minh bằng camera trên QL51 (có 4 điểm với 6 camera giám sát tốc độ, 8 camera giám sát an ninh trật tự và hơn 70 camera ghi các lỗi như: lấn làn, đi sai phần đường, dừng đỗ sai quy định, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông…), từ khu vực Ẹo Ông Từ (TP Vũng Tàu) đến hết địa bàn thị xã Phú Mỹ và tiến hành phạt nguội các hành vi vi phạm giao thông trên tuyến đường này.
Việc đẩy mạnh xử phạt nguội đối với hành vi vi phạm giao thông bằng hình thức trích xuất camera được xem là giải pháp mang tính đột phá, có tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến ý thức của người tham gia giao thông. Công tác xử phạt nguội vi phạm cũng giúp cho lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm soát được lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cũng như từng bước hiện đại hoá việc giám sát xử lý vi phạm, nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính. Công tác này cần nhiều giai đoạn, trong đó việc hoàn thành hồ sơ phiếu báo xác định hành vi vi phạm kèm thông báo vi phạm sẽ được chuyển đến người vi phạm bằng thư gửi bảo đảm qua đường bưu điện. Nếu sau 15 ngày mà người vi phạm vẫn chưa đến cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm hành chính thì Phòng CSGT sẽ phối hợp với Công an phường, xã, thị trấn để gửi lại thông báo vi phạm tới chủ phương tiện.
Như vậy, tất cả các trường hợp vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh đều có thông báo vi phạm của cơ quan chức năng đến chủ phương tiện. Khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ phương tiện hoặc đại diện chủ phương tiện hoặc người có hành vi vi phạm và phương tiện vi phạm đến trụ sở cơ quan chức năng để giải quyết.
Tuy nhiên, lợi dụng việc đẩy mạnh phạt nguội lỗi vi phạm giao thông, nhiều đối tượng, nhóm đối tượng đã lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Cụ thể, chúng sẽ dùng điện thoại giả danh là Cảnh sát giao thông, bưu điện… để gọi điện đến người dân để báo về việc có liên quan đến một biên lai xử phạt nguội về giao thông nhằm làm cho người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân, sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý phạt nguội; đồng thời, yêu cầu nạn nhân bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt.
Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận hoang mang khi liên tiếp bị các đối tượng gọi điện thoại đến báo vi phạm giao thông, yêu cầu nộp phạt. Anh B (ngụ quận Bình Tân, TP. HCM) cho biết ngày 26-4, anh đã nhận một cuộc điện thoại lạ thông báo anh có liên quan đến vi phạm giao thông nên bị phạt nguội từ thuê bao +84939……. “Lúc nhấc máy nghe điện thoại, tôi hết hồn khi nghe một giọng nữ được phát tự động, nói rằng tôi có liên quan đến vi phạm giao thông và bị phạt nguội, mời tôi bấm phím số để được nghe hướng dẫn chi tiết” - anh B kể. Anh B cho biết ban đầu cũng khá hoang mang, không biết là mình có từng vi phạm giao thông qua hình ảnh khi nào. Nhưng sau khi định thần lại, anh B nhớ rằng mình không đứng tên là chủ xe của bất kỳ phương tiện nào, xe anh đang đi cũng do vợ anh đứng tên. Vì vậy, anh B nghi đây là hành vi lừa đảo nên cúp máy.
Tương tự, anh NVĐ (ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết mấy ngày trước anh cũng nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ từ một người đàn ông. Người này tự xưng là CSGT, gọi để thông báo anh NVĐ có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ qua hình ảnh và bị phạt nguội. “Tự dưng có số điện thoại lạ gọi vào số di động của tôi, tự xưng là CSGT rồi nói tôi vi phạm giao thông, bảo tôi làm theo hướng dẫn. Việc này làm tôi hoang mang, không biết đây là thật hay giả vì cũng có đôi khi tôi có chạy lấn làn, quá tốc độ…” - anh NVĐ nói.
Lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM, cho biết thời gian gần đây trên địa bàn thành phố có tình trạng lừa đảo, sử dụng điện thoại để thông báo vi phạm qua hình ảnh (tức phạt nguội) và yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn của chúng để chiếm đoạt tài sản đồng thời khẳng định tất cả trường hợp vi phạm qua hình ảnh đều có thông báo vi phạm của cơ quan chức năng gửi đến chủ phương tiện hoặc tài xế.
Lực lượng Công an khuyến cáo người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại liên quan đến biên lai phạt nguội giao thông. Nếu người dân nhận được các cuộc gọi này, đề nghị nhanh chóng đến báo tin cho cơ quan Công an địa phương nơi gần nhất, để lực lượng chức năng làm cơ sở điều tra, xác minh, đấu tranh.
Người dân tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, CMND, số điện thoại, thông tin số tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ mail…) cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Doanh

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang