Nhìn về mặt tích cực, TikTok là nền tảng cho phép người dùng chia sẻ những đoạn video ngắn và truyền tải những thông điệp ý nghĩa, nhân văn sâu sắc, khích lệ tinh thần vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống… Nhưng bên cạnh đó, TikTok cũng mang đến nhiều trào lưu độc hại và phản cảm, lướt qua một vòng TikTok không khó để tìm thấy những video khoe thân phản cảm, quảng cáo chất cấm, kỳ thị, chia rẽ vùng miền, “giang hồ mạng”, những màn “đu trend” bất chấp để “câu view, câu like” của giới trẻ gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Đáng chú ý, hiện nay các thế lực thù địch, các đối tượng chống phá cũng đang dần lợi dụng nền tảng này để đăng tải những video chia sẻ thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá Việt Nam. Điều này đã và đang tác động trực tiếp đến tư tưởng, hành động của giới trẻ theo chiều hướng có hại, làm lệch lạc nhận thức, lối sống, hành động, băng hoại những giá trị văn hóa dân tộc, gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với TikTok tại Việt Nam.
Có lẽ chúng ta vẫn chưa quên việc giới trẻ tranh cãi về việc có hay không “nội chiến” trong bài hát “Gia tài của mẹ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Khánh Ly biểu diễn và cho rằng “âm nhạc không liên quan đến chính trị”. Thậm chí nhiều “hot boy”, “hot girl”, học sinh còn đeo khăn quàng đỏ, mặc áo dài còn nhiệt tình “đu trend”, uốn éo khoe thân trên nền nhạc phản cảm được sáng tác dựa trên bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu… Bỏ ra một vài phút lướt TikTok, chúng ta cũng sẽ dễ dàng bắt gặp những video với hashtag #nguoigiamsat, #giaothongcongly, #tinchinhtri… của một số người thường xuyên có mặt tại các địa điểm làm việc, chốt kiểm soát giao thông để quay video với danh nghĩa “quyền giám sát” của công dân, hay những video bàn về chính trị những với luận điệu xuyên tạc, phản động gây hoang mang dư luận, kích động quần chúng, giới trẻ có cái nhìn tiêu cực về chế độ, Đảng, Nhà nước…
Với sự thuận tiện, dễ dàng sử dụng, chia sẻ, sử dụng thuật toán cho phép người dùng tiếp cận nhanh với những nội dung ưa thích đã làm cho TikTok trở thành nền tảng giải trí vượt mặt nhiều “ông lớn” khác như: Facebook, Youtube, Instagram… Có thể thấy bên cạnh những giá trị tích cực mà nền tảng này mang lại vẫn còn rất nhiều vấn đề, “lỗ hổng” đối với cách thức kiểm duyệt nội dung của TikTok cũng như công tác quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng. Những hình phạt chưa thích đáng, chưa đủ tính răn đe là một trong những nguyên nhân làm cho mạng xã hội “ngập tràn rác” và những trào lưu độc hại, phản cảm. Song quan trọng nhất vẫn là ở người dùng mạng xã hội cần phải có sự tỉnh táo và có biện pháp tự bảo vệ mình. Ngoài ra cha mẹ cũng cần có biện pháp để quản lý con cái chặt chẽ hơn và đặc biệt là giới trẻ cần tự trang bị cho mình kiến thức, nhận thức đúng đắn, chia sẻ những giá trị tích cực và tẩy chay, nói không với những video nhảm nhí, dung tục, những trào lưu phản cảm, xuyên tạc lịch sử dân tộc, giá trị văn hóa Việt Nam.
Đội TH - Phòng ANKT