*Một số biện pháp phòng tránh tai nạn điện
1. Không sử dụng thiết bị điện không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện an toàn, không dùng dây trần làm dây dẫn điện trong nhà.
2. Không leo trèo lên cột điện hoặc vào trạm điện.
3. Các gia đình có sử dụng ổn áp, phải để ổn áp ở trên cao, tránh nước, tránh nơi ẩm thấp, sẽ làm hư hỏng ổn áp.
4. Khi người hoặc chân tay bị ướt không được tiếp xúc với điện; các thiết bị điện bị ngấm nước, phải sấy khô mới được sử dụng.
5. Tuyệt đối không đi lại trong nhà dọn đồ đạc khi nước ngập vào nhà, vì điện bị rò trong nước có nguy cơ gây tai nạn chết người.
6. Khi xây dựng nhà gần đường dây điện, phải chú ý giữ khoảng cách an toàn và phải che chắn, đảm bảo khi kéo vật liệu lên xuống không vi phạm khoảng cách an toàn điện.
7. Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần và cảnh báo cho mọi người xung quanh, đồng thời báo cho đơn vị điện lực quản lý cắt điện.
8. Không được đến gần hoặc bám vào cột điện bị ngập nước để đề phòng điện rò trong nước gây tai nạn;
9. Những hộ dân sống trong vùng lũ cần lắp hệ thống điện riêng biệt cho tầng thấp để dễ dàng cắt điện khi bị sự cố; trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện thoại hoặc kêu cứu để mọi người báo cơ quan điện lực cắt điện.
10. Trong mùa mưa bão, cần kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện trong nhà, tránh để dột và ẩm ướt ở những nơi có điện. Khi kiểm tra phải dùng bút thử điện để thử; thường xuyên kiểm tra dây dẫn từ nhà ra cột điện. Nếu phát hiện có những điểm không đảm bảo an toàn, nên báo ngay cho điện lực nơi sở tại. Nếu phần hư hỏng nằm phía sau đồng hồ điện thì bắt buộc phải cắt cầu dao điện chính rồi mới tiến hành sửa chữa.
*Một số kỹ năng xử lý và sơ cứu ban đầu khi gặp sự cố về điện
1. Nếu gặp nạn nhân bị điện giật cần xử trí như sau: Nhanh chóng ngắt cầu dao điện. Dùng gậy gỗ khô, ván gỗ, cây nhựa... tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng mát. Đối với nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu thở: Tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ cho đến khi tự thở được hoặc xác định nạn nhân chắc chắn đã chết thì mới dừng lại. Đối với nạn nhân còn tỉnh táo: Kiểm tra mức độ tổn thương ở các vị trí nặng hay nhẹ. Đặc biệt, kiểm tra tổn thương nguy hiểm trước như ở đốt sống cổ, bởi những tổn thương này có thể gây liệt nếu không sơ cấp cứu kịp thời, sau đó tiến hành kiểm tra các bộ phận còn lại. Động viên, an ủi để nạn nhân yên tâm và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi điện thoại cấp cứu 115.
2. Xử lý sét đánh tại nhà hoặc hiện trường: Cần đặt nạn nhân nằm lên chỗ khô ráo, bằng phẳng, nới rộng quần áo để người bị nạn thở được dễ dàng. Khẩn trương tiến hành hô hấp nhân tạo. Nếu phát hiện nạn nhân bị gãy xương, cần cố định xương chắc chắn trước khi di chuyển. Đặc biệt cẩn thận, không di dời nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống. Đối với những vị trí bỏng khô, phải để yên, không sờ mó, không bôi các loại lá, mỡ theo kinh nghiệm dân gian lên vết bỏng. Sau khi đã thực hiện sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi điện thoại cấp cứu 115 để cấp cứu kịp thời.
Phương Đông