Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới trên Căn cước công dân gắn chip
Bộ Công an đề xuất thay đổi một số nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân như cấp Căn cước công dân cho cả trẻ em dưới 6 tuổi, lược bỏ dấu vân tay...
Ngày 9/3, Bộ Tư pháp công bố tài liệu họp thẩm định luật Căn cước công dân (sửa đổi). Luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ 1/7/2024, thay thế cho luật Căn cước công dân năm 2014 đang có hiệu lực.

Trong hồ sơ dự thảo, Bộ Công an đề xuất hàng loạt quy định mới liên quan đến Căn cước công dân gắn chip, từ đối tượng cấp, quy trình cấp, mẫu mã cho đến giá trị thông tin của thẻ.

Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới trên Căn cước công dân gắn chip
Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới trên Căn cước công dân gắn chip


Lược bỏ dấu vân tay và đặc điểm nhân dạng

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất thay đổi một số nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân, trong đó lược bỏ dấu vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải) và đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ.

Sửa đổi số thẻ Căn cước công dân thành số định danh cá nhân (vẫn là dãy số gồm 12 chữ số như hiện nay), quê quán thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú, chữ ký của người cấp thẻ từ Cục trưởng Cục Cảnh cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thành Bộ Công an.

Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ Căn cước công dân, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ và bảo đảm tính riêng tư của công dân. Các thông tin căn cước của công dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ. Những thẻ Căn cước công dân đã cấp vẫn có giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

Cấp Căn cước công dân cho cả trẻ em dưới 6 tuổi

Luật Căn cước công dân hiện hành quy định đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân là người từ đủ 14 tuổi trở lên. Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất mở rộng đối tượng cấp thẻ là toàn bộ công dân Việt Nam, bao gồm cả người dưới 14 tuổi (cấp theo nhu cầu).

Với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi so với hiện nay.

Với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên, cha, mẹ hoặc người giám hộ đưa đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học như người từ đủ 14 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.

Với công dân dưới 6 tuổi và đã đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân (không thu nhận thông tin sinh trắc học).

Với công dân dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh, việc thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh.

Chứng minh nhân dân đã được cấp chỉ còn giá trị đến hết ngày 31/12/2024

Bộ Công an đề xuất toàn bộ chứng minh nhân dân đã được cấp sẽ chỉ còn giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024, thay vì 15 năm kể từ ngày cấp như quy định hiện hành.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về thay đổi, điều chỉnh thông tin liên quan đến Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân trong các giấy tờ đã cấp.

Tính đến nay, Bộ Công an đã cấp được gần 80 triệu thẻ Căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ. Vì vậy, việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của Chứng minh nhân dân như đã nêu cơ bản không tác động đến công dân.

Quy định này sẽ hạn chế việc tiếp tục sử dụng Chứng minh nhân dân cũ, có tính bảo mật không cao bằng thẻ Căn cước công dân và không có nhiều tiện ích; đồng thời thúc đẩy người dân thay đổi thói quen bằng việc sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử.

Tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe

Bộ Công an đề xuất thẻ Căn cước công dân có thể tích hợp một số thông tin như thẻ Bảo hiểm y tế, sổ Bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng quyết định.

Các thông tin tích hợp vào thẻ Căn cước công dân sẽ được khai thác thông qua sử dụng thiết bị chuyên dụng, có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác.

Trường hợp thông tin in, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ Căn cước công dân khác so với thông tin được tích hợp trong Căn cước công dân điện tử do đã có sự thay đổi, biến động, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong Căn cước công dân điện tử.

Ngoài ra, dự thảo của Bộ Công an bổ sung một nội dung rất mới, đó là việc cấp lại thẻ Căn cước công dân được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia (công dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục).

Với trường hợp này, cơ quan quản lý Căn cước công dân sẽ sử dụng thông tin đã cấp thẻ Căn cước công dân lần gần nhất để cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân.
An Nguyên(Báo Công thương)

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang