Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Bài 7: Kinh tế Việt Nam và tỉnh Đồng Nai thời kỳ đổi mới

Chiến thắng trong các cuộc kháng chiến cứu quốc, tiếp đến là hàn gắn vết thương chiến tranh và tìm cơ chế, mô hình phát triển, đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Từ một quốc gia thuần nông, đại đa số người dân sống ở nông thôn, trình độ phát triển thấp, Việt Nam đã chuyển mình trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Cùng với tăng trưởng kinh tế, sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, giúp cho nước ta chủ động hơn trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại hội Đảng lần thứ VI mở đầu công cuộc đổi mới, khơi dậy và phát huy sức mạnh,
tiềm năng để đưa đất nước tiến lên
Đại hội Đảng lần thứ VI mở đầu công cuộc đổi mới, khơi dậy và phát huy sức mạnh,
tiềm năng để đưa đất nước tiến lên

Tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới đó là kết quả của sự khảo nghiệm thực tiễn và đổi mới tư duy lý luận; là bước phát triển có ý nghĩa cách mạng trong nhận thức và hành động của Đảng với những chủ trương, đường lối mang tính đột phá. Những chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại kết quả tích cực. Đất nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài, mặc dù một số mặt còn chưa vững chắc. Như vậy, từ năm 1986 đến nay, quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng diễn ra từng bước theo hướng vừa làm thử nghiệm, sửa đổi, bổ sung, từng bộ phận của cơ chế cũ bị xóa bỏ, từng bước hình thành cơ chế mới - cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thống nhất và nêu rõ: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu” dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Kinh tế liên tục tăng trưởng đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế là đúng hướng và phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê là minh chứng cụ thể nền kinh tế Việt Nam phát triển: Giai đoạn 1986-2000, tổng sản phẩm trong nước bình quân mỗi năm tăng 6,51%; GDP năm 2019 gấp 12,5 lần năm 2001; năm 2022, kinh tế, chính trị thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, nhưng GDP Việt Nam trong năm 2022 đạt 409 tỷ USD, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á (Việt Nam xếp sau Indonesia (1,29 nghìn tỷ USD), Thái Lan (534,76 tỷ USD), Malaysia (434,06 tỷ USD), Singapore (423,63 tỷ USD) và xếp ngay trên Philippines (401,66 tỷ USD). Trên thế giới, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 37 về quy mô kinh tế, Indonesia đứng thứ 17, Thái Lan đứng thứ 26, Malaysia đứng thứ 35, Singapore đứng thứ 36.
Cờ đỏ sao vàng tung bay ở Geneva, Thụy Sĩ (Chiều ngày 22/09/2015, Đ/c Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm và làm việc với cán bộ Phái đoàn Việt Nam tại Đại Hội đồng WTO trước ngày khánh thành trụ sở mới).
Cờ đỏ sao vàng tung bay ở Geneva, Thụy Sĩ (Chiều ngày 22/09/2015, Đ/c Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm và làm việc với cán bộ Phái đoàn Việt Nam tại Đại Hội đồng WTO trước ngày khánh thành trụ sở mới).

Những dấu ấn trong sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta kể từ năm 1945, đặc biệt từ năm 1986 đến nay, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, chính sách, đường lối nhất quán của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội. Vị thế của Việt Nam thay đổi đáng kể trên thế giới và trong khu vực ASEAN. Việt Nam đã vượt trên các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xếp hạng thứ 25 thế giới về hấp dẫn vốn FDI. Ở khía cạnh ngoại giao kinh tế, đến nay đã có trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã là thành viên chính thức của nhiều Tổ chức kinh tế quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế Á – Âu (ASEM); tham gia tích cực vào việc đàm phán cũng như ký kết, phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 16 FTA song phương và đa phương. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, mà còn thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong việc hình thành hệ thống thương mại quốc tế. Tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 trong 200 quốc gia trên toàn thế giới; thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tòa nhà Sonadezi BIên Hòa ngày nay.
Tòa nhà Sonadezi BIên Hòa ngày nay.

Hơn 48 năm kể từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gần 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cùng nhịp phát triển chung của cả nước, Đồng Nai đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nền công nghiệp phát triển nổi bật với hàng loạt khu công nghiệp (KCN), nhà máy mọc lên, cùng với đó, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là cơ sở để Đồng Nai có những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội trong hiện tại và tương lai.
Có thể nói Đồng Nai là “Cái nôi” phát triển khu công nghiệp”, một trong những lĩnh vực ưu tiên của Đồng Nai là phát triển công nghiệp và xây dựng các KCN. Chính các KCN đã trở thành địa điểm thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển, giúp Đồng Nai trở thành vùng kinh tế phát triển năng động hàng đầu của cả nước. Từ chỗ chỉ có một KCN duy nhất trước ngày giải phóng, đến nay Đồng Nai đã quy hoạch 35 KCN với tổng diện tích trên 12 ngàn ha, trong đó 31 khu công nghệp được đầu tư hạ tầng hoàn thiện đi vào hoạt động. Các KCN Đồng Nai đã thu hút được trên 1.500 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư gần 33 tỷ USD đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ và lấp đầy trên 85% diện tích đất cho thuê. Các KCN đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt 12,5% trong giai đoạn 2006-2015 và từ 8-9% từ năm 2016 đến nay.
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 41 ngàn doanh nghiệp được thành lập và hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 300 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, khi các dự án hạ tầng lớn đưa vào khai thác, sử dụng như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường cao tốc trọng điểm quốc gia và khu vực qua địa bàn tỉnh sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhiều quỹ đất mới để Đồng Nai tiếp tục phát triển các KCN, khu đô thị hiện đại, thu hút thêm các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Kinh tế Đồng Nai những năm qua luôn tăng trưởng ổn định, chỉ riêng giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân mỗi năm tăng 8,12%, năm sau cao hơn năm trước (năm 2021 – 2022, do tác động, ảnh hưởng bởi dịch covid-19 và chiến tranh Nga – Ucraina, chỉ số (GRDP) bình quân thấp hơn). Quy mô GRDP tính theo giá hiện hành đến năm 2020 đạt gần 400 ngàn tỷ đồng (tương đương 17,2 tỷ USD), gấp 1,7 lần so với năm 2015. Mô hình tăng trưởng kinh tế có bước chuyển đổi theo xu hướng tăng sự đóng góp của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỉ trọng GRDP ngành Công nghiệp - xây dựng, ngành Dịch vụ và giảm ngành Nông nghiệp, đúng định hướng nghị quyết. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 124 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 5.300 USD, tăng hơn 1,7 lần so với năm 2015, gấp 1,7 lần so với cả nước. Cơ cấu lao động dịch chuyển mạnh mẽ từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và đa dạng, đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh với nhiều dự án được cấp mới và bổ sung tăng vốn thuộc các tập đoàn lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, thuộc những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh, góp phần đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, Đồng Nai đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước, đặc biệt, những năm gần đây, xuất siêu của Đồng Nai luôn là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước, với giá trị xuất siêu từ 2-3 tỷ USD.
Phòng ANKT

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Công an tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả: