Trước đó, ngày 28/12, Hội nghị Chính phủ với các địa phương đã khai mạc với quy mô toàn quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành Trung ương dự Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự, phát biểu tại kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương 5 vấn đề lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Tô Lâm, vấn đề thứ nhất Bộ Công an kiến nghị đó là năm 2021 tiếp tục xây dựng thể chế. “Đây là 1 trong 3 đột phá mà Trung ương đã chỉ đạo và trong lực lượng Công an cũng là 1 trong 3 đột phá để đảm bảo công tác an ninh trật tự (ANTT),rất có ý nghĩa để toàn dân, các ngành, các cấp thực hiện kỷ cương, kỷ luật một cách trật tự, bình đẳng và an toàn” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, năm 2020, chúng ta đã làm rất tốt công tác này.
Thứ 2, Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị về công tác bảo đảm an ninh kinh tế. “Chúng ta rất quan tâm đến phát triển kinh tế nhưng phát triển phải trên nền tảng có đảm bảo an ninh. Khi đã hội nhập quốc tế sâu rộng thì vấn đề bảo vệ an ninh kinh tế trở thành vấn đề rất quan trọng đối với đất nước và nền kinh tế của chúng ta” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 12 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chính phủ cũng đã có kế hoạch cụ thể triển khai. “Mục đích để làm sao bảo đảm an ninh kinh tế phục vụ phát triển kinh tế đúng định hướng. Vì chệch hướng về phát triển kinh tế nằm trong 4 nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra. Chúng ta muốn phát triển thì không được chệch hướng”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong năm 2020, chúng ta đã làm rất tốt công tác này. Chính phủ đã chỉ đạo rất nhiều công tác liên quan đến an ninh kinh tế, từ cổ phần hoá, tập trung phát huy nguồn lực trong dân, phát triển kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, xây dựng nền công nghiệp, chống gian lận thương mại, phòng chống tam nhũng...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nổi lên nhiều vấn đề chúng ta phải tăng cường về kinh tế. Đó là có nhiều hoạt động chuyển giá, khó khăn về quản lý tài chính, tiền tệ, chứng khoán, quản lý dòng tiền; quản lý phát triển doanh nghiệp, đánh giá sức mạnh của doanh nghiệp, chống gian lận thương mại, quản lý đất đai, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp... Chính vì vậy, cần phải tập trung làm lành mạnh, bình đẳng, tư do, đúng pháp luật, tạo sự phát triển đúng hướng theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.
Vấn đề thứ 3 là đề nghị cần tập trung công tác phòng chống tội phạm. “Ở đây chúng tôi muốn nói làm sao để giảm phạm pháp hình sự. Trong nhiều năm gần đây, Bộ Công an kiến nghị giảm tội phạm. Trên thực tế, năm 2019, 2020, chúng ta đã làm rất tốt việc giảm tội phạm. Năm 2020, giảm 6,8% tội phạm so với năm 2019. Hiện nay, chúng ta có khoảng 50 nghìn vụ phạm pháp hình sự mỗi năm. Nếu mỗi năm giảm từ 5-8%/năm, như năm 2020 giảm 6,8% là kết quả rất đáng mừng. Nhiều ngày, nhiều địa phương, nhiều huyện, nhiều tỉnh cả ngày không có vụ phạm pháp hình sự nào” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Lấy ví dụ về Cao Bằng, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ, năm 2019, tỉnh Cao Bằng có 600 vụ phạm pháp hình sự, năm 2020 còn 300 vụ, trung bình mỗi ngày chỉ 1 vụ phạm pháp hình sự và có 2 tháng cả tỉnh không xảy ra vụ phạm pháp hình sự nào.
Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2020 xảy ra 4.500 vụ vụ phạm pháp hình sự, tính trung bình mỗi ngày 15 vụ. “Có 24 quận huyện, như vậy, trung bình mỗi ngày có 9 quận huyện không xảy ra phạm pháp hình sự. Đây là những con số có ý nghĩa về bảo đảm bình yên, hạnh phúc cho người dân” – Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Năm 2021, Bộ Công an sẽ tiếp tục kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ phấn đấu sẽ giảm ít nhất 5% tội phạm. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành huy động các lực lượng vào cuộc. Công an sẽ tích cực tham gia quản lý đối tượng, quản lý, xử lý các băng ổ nhóm tội phạm; quản lý tốt vũ khí, vật liệu nổ. Công an sẽ gần dân hơn, giải quyết phạm pháp hình sự và phòng ngừa tội phạm ngay từ cơ sở, từ các xã.
Vấn đề thứ 4, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cấp, các ngành quan tâm chăm lo hơn nữa đời sống cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa ở 62 huyện nghèo vì đây đều là những vùng chiến lược. “Đề nghị tạo sự bình đẳng trong xã hội, tạo vành đai về ANTT, củng cố an ninh quốc phòng (ANQP) vững chắc, nhất là ở các vùng chiến lược. Nếu xã hội phát triển không đồng đều, có sự chênh lệch giữa vùng này, vùng khác sẽ tạo áp lực rất lớn lên công tác bảo đảm ANTT. Chúng ta có 63 tỉnh, nếu mỗi tỉnh cần giao phụ trách giúp đỡ 1 huyện thì kinh tế sẽ phát triển tốt hơn” – Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị.
Vấn đề thứ 5 là công tác phòng chống dịch COVID. “Theo dự báo, năm 2021, diễn biến về dịch COVID -19 sẽ còn rất phức tạp trên thế giới. Ngay cả trong nước, chúng ta cũng bị tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta đã chống dịch tốt nhưng không được chủ quan. Trước mắt trong dịp tổ chức Đại hội Đảng và Tết Nguyên đán thì nhu cầu về nước của người dân rất lớn nên nếu không có biện pháp hữu hiệu sẽ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, phát triển kinh tế, xã hội” – Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết, dự kiến, số bà con muốn về nước còn khoảng 100 nghìn người vì họ đều muốn về ăn Tết nguyên đán. Bên cạnh đó, đời sống của một số bà con ở nước ngoài khó khăn, không được chăm lo sức khoẻ chu đáo nên họ cũng muốn về nước. Tình trạng vượt biên trái phép qua đường bộ cũng đang phức tạp.
“Từ đầu năm nay có khoảng 14 nghìn người xuất, nhập cảnh bất hợp pháp gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch nên cần chú trọng công tác này, ngăn chặn triệt để nhập cảnh trái phép để ngăn ngừa dịch” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Phương Thuỷ (cand.com.vn)