Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Kí ức về ngày giải phóng trên gác chuông Tòa Đô chính
Gác chuông Tòa đô chính ngày 30/4/1975 in hằn bước chân những người lính tiếp quản. Gần nửa thế kỷ đã qua, cảm xúc về đêm giải phóng đầu tiên được bảo vệ tòa nhà cổ điển và tráng lệ, biểu tượng kiến trúc châu Âu hiếm có, vẫn luôn náo nức trong lòng người Trạm trưởng B72.
Trạm B72

Ở tuổi 87, Đại tá Trần Văn Vạn (Mười Vạn) vẫn tinh anh và hào sảng. Cuộc đời ông băng qua 3 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, cho đến những ngày đất nước hòa bình, ông vẫn miệt mài cống hiến tâm sức và trí tuệ phục vụ quân đội và nhân dân.

46 năm sau ngày giải phóng miền Nam, giờ đây ông và những đồng đội của mình vẫn thường đi ngang nơi đó, Tòa Đô chính Sài Gòn (nay là trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh) nhìn ngắm lại tháp chuông, chiêm ngưỡng những bức tượng kỳ vĩ, biểu tượng của tự do và khát vọng cùng sự đổi thay từng ngày trên thành phố mang tên Bác. Lòng người lính già reo vui, tự hào, nhớ về những ngày tiếp quản.

Đại tá Trần Văn Vạn khi đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị là một xạ thủ pháo binh xuất sắc của Trung đoàn 204 thì năm 1972, ông được tuyển chọn vào Trung tâm điệp báo (Trạm B72) ở miền Nam đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Đồng chí Nguyễn Xuân Mạnh, Trưởng phòng Điệp báo Tổng cục Tình báo được giao phụ trách Trung tâm.
Đại tá Trần Văn Vạn.
Đại tá Trần Văn Vạn.

Tình báo là một nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ, đòi hỏi tổng hòa nhiều tố chất, Đại tá Trần Văn Vạn có chút băn khoăn, lo lắng, mình sẽ thực hiện sứ mệnh này như thế nào? Nhưng rồi lòng khắc khoải nhớ thương về miền Nam đã thôi thúc ông nhận trọng trách, trở về giải phóng quê hương.

Năm 1973, đồng chí Trạm trưởng được rút ra Hà Nội, Đại tá Trần Văn Vạn là người thay thế, đảm nhiệm vị trí Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Trung tâm. Nơi đây, có nhiệm vụ xây dựng mạng lưới tình báo, đào tạo sĩ quan cấp chiến lược, nắm bắt thông tin của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Phạm vi hoạt động của Trạm từ Gò Dầu, Trảng Bàng, Dầu Tiếng, Củ Chi. Trụ sở chính nằm trong lõm du kích, thuộc vùng giáp ranh ấp chiến lược ở Củ Chi nhằm dễ dàng tiếp nhận thông tin, giao thông, liên lạc. Tuy nhiên, đây lại là “lằn ranh sinh tử”, ta và địch giằng co nhau từng tấc đất, từng mét hàng rào, ngày và đêm, bom đạn, khói súng không ngừng vang nổ.

Mỗi lần tiếp nhận nguồn tin, nguy hiểm không khác một trận chiến đấu, nhiều cán bộ đã phải nằm lại ngay trên đường giao liên. Trạm trưởng Mười Vạn nhớ lại, vào khoảng tháng 3/1975, một tổ gồm 4 người thực hiện chuyến công tác từ Củ Chi lên Dầu Tiếng. Trở về trên con đường 13, đường nằm trong vùng lõm được cảnh báo mức độ nguy hiểm rất cao, địch rải dày đặc pháo, mìn và bom C130. Đang di chuyển thì xe máy bị hỏng, đồng chí Mười Vạn phải dừng lại để sửa. Vừa lúc đó, chiếc xe của đồng đội chạy phía trước vướng phải mìn, hai đồng chí hy sinh.

Hoạt động điệp báo ở vùng giáp ranh, nay sống mai đã về với đất mẹ. Họ ngã xuống lặng lẽ, âm thầm như chính cuộc đời và nhiệm vụ được giao.

Chiến công thầm lặng

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trạm B72 được giao tiếp quản Tòa Đô chính Sài Gòn, nơi làm việc và hội họp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lực lượng tình báo của trạm đã được lệnh thọc sâu vào nội thành, các điệp viên hoạt động vừa công khai vừa bí mật, dưới nhiều vỏ bọc khác nhau. Từ khoảng 20-4, Trạm trưởng Mười Vạn cử 3 mũi cán bộ chủ lực, được trang bị đầy đủ phương tiện len lỏi vào trung tâm Sài Gòn chờ ngày hội quân.

Sáng 29/4, nhìn những đoàn xe tăng, xe thiết giáp lừng lững tiến về Sài Gòn từ căn cứ Dầu Tiếng mà trong lòng người Trạm trưởng reo vui, ngày mai ông cũng tiến về Sài Gòn. Buổi sáng 30-4, Đại tá Mười cùng một trợ lý điệp báo và hai trinh sát ra đường vẫy một chiếc xe khách xin “quá giang” vào nội thành. Lúc này, không khí ngày giải phóng đã âm ỉ, tinh thần và khí thế của nhân dân vô cùng phấn khởi. Các đồn bốt, trạm gác hai bên đường từ Củ Chi vào trung tâm thành phố quân lính buông súng ống, cởi quần áo, tháo giày bỏ chạy tán loạn. Nhân dân tràn ra đường vẫy tay chào đón Đoàn quân giải phóng hừng hực khí thế, những giọt nước mắt vui sướng trào dâng.

Đó là chuyến xe đò đầy ắp ký ức với Đại tá Trần Văn Vạn. Đi qua mỗi cung đường, mỗi ngôi nhà, mỗi con người đều quá đỗi thân thương.
Tòa Đô chính Sài Gòn trước năm 1975.
Tòa Đô chính Sài Gòn trước năm 1975.

Khoảng hơn 12h ngày 30/4, mũi xung kích đầu tiên của Trạm B72 tiến vào Tòa Đô chính do đồng chí Ba Chánh (Đặng Công Chánh) chỉ huy. 3h chiều, các tổ còn lại đều có mặt tại đây. Lúc này trong tòa nhà yên ắng như chưa từng có chuyện gì xảy ra, những người từng làm việc tại đây đã bỏ chạy hết. 7h tối, toàn bộ quân số của B72 đã có mặt tại Tòa Đô chính, phân công nhiệm vụ canh gác, bảo vệ nguyên trạng cơ sở vật chất, tài sản, hiện vật.

Đêm đầu tiên tiếp quản ở một nơi tráng lệ của Sài Gòn, cũng là giờ phút đầu tiên của ngày giải phóng, Đại tá Trần Văn Vạn không sao chợp mắt được. Mặc dù đã biết trước sẽ có thời khắc thiêng liêng này, nhưng trong lòng người con miền Nam vẫn dội lên một cảm xúc rưng rưng, hạnh phúc không nói thành lời.

Tiếp quản Tòa Đô chính khoảng 3 tháng thì Trạm B72 giao lại cho Thành ủy TP Hồ Chí Minh quản lý. Những người lính tình báo trở về đơn vị, nhận nhiệm vụ mới. Anh em đều làm những công việc khác nhau, riêng Trạm trưởng B72 Đại tá Trần Văn Vạn được tổ chức giữ lại phục vụ ngành cho đến ngày nghỉ hưu.

Góp phần vào thành công của nhiệm vụ tình báo, không thể thiếu những người phụ nữ trong ấp chiến lược. Họ đã chịu đựng tất thảy gian khổ, khó khăn của một người vợ, người mẹ vừa đơn độc nuôi con giữa vòng vây và tai mắt của kẻ địch vừa dũng cảm, can trường làm cơ sở giúp sức cho cách mạng. Trong miền ký ức của Đại tá Trần Văn Vạn vẫn đau đáu, trăn trở khi nhắc về chị Tư Ren. Chị Tư có chồng là Huyện ủy viên huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) đã hy sinh sau Chiến dịch Mậu Thân 1968. Một mình chị nuôi hai con nhỏ.

Năm 1971, Trạm B72 tiếp cận chị Tư Ren làm giao thông cho tổ chức. Chị Tư đã đồng ý mà không một chút ngần ngại hay lo sợ hiểm nguy. Cuộc sống khó khăn, chị phải làm đủ thứ nghề để nuôi con, hôm nay bán thuốc, mai lại bán rau nhưng công việc được giao thì chị luôn rốt ráo hoàn thành. Làm cơ sở cho cách mạng ngay trong ấp chiến lược, đòi hỏi sự dũng cảm và sẵn sàng hy sinh bởi khi bị lộ, sẽ bị bắt, bị tra tấn dã man hoặc bị thủ tiêu bất cứ lúc nào. Rồi chị Sáu Nga, cả gia đình đều một lòng tiếp tế, phụng sự cho cách mạng.

Chị Nga là cán bộ phụ nữ của xã Lộc Hưng (Trảng Bàng, Tây Ninh), chồng là cán bộ tập kết vào Nam hy sinh trước ngày giải phóng. Không thể sống bên ngoài được, chị Nga ôm hai con trở về ấp chiến lược rồi cũng tình nguyện làm giao liên cốt cán cho Trạm B72 suốt mấy năm trời.

Sau giải phóng, những người phụ nữ kiên cường ấy trở về đời thường làm nông dân bên đồng ruộng, sống cuộc đời lặng lẽ mà chưa bao giờ đòi hỏi cho mình một đặc ân nào.

Đi qua những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc, được hưởng trọn vẹn niềm vui của đất nước, nhưng 30/4 hằng năm vẫn là một ngày thật đặc biệt, với bao cảm xúc dạt dào trong lòng Đại tá Trần Văn Vạn. Ông cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa, thăm chị Tư Ren, chị Sáu Nga, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc của một thời hoạt động cách mạng, gian khổ mà hào hùng.
Ngọc Thiện - cand.com.vn

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang