Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Nhớ những ngày tháng 4 lịch sử
11 giờ 30 ngày 30-4 cách đây 46 năm, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành sự nghiệp giải phóng niềm Nam, non sông thu về một mối.
Các chiến sĩ Trung đoàn 113 đến thăm, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm Đoàn Đặc công 113 (ở P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) và ôn lại những câu chuyện về những đồng đội đã anh dũng hy sinh. Ảnh: Nga Sơn
Các chiến sĩ Trung đoàn 113 đến thăm, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm Đoàn Đặc công 113 (ở P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) và ôn lại những câu chuyện về những đồng đội đã anh dũng hy sinh. Ảnh: Nga Sơn

46 năm đã qua nhưng ký ức về những ngày tháng 4 lịch sử vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người đã từng sống, chiến đấu trong thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy.

* Ký ức không thể nào quên

Năm nay đã 83 tuổi nhưng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lân (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) vẫn còn nhớ như in những chiến dịch đã từng tham gia, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Theo cựu chiến binh Vũ Đức Ninh, bên cạnh củng cố tiềm lực quốc phòng, để người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay trân trọng, gìn giữ hòa bình, cần phải tăng cường công tác giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Ngoài kiến thức về lịch sử trong các giáo trình, cần tạo điều kiện để học sinh, sinh viên đến các địa chỉ đỏ tham quan, tìm hiểu, giúp tuổi trẻ hiểu để có được hòa bình, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng xương máu của hàng triệu người…

Ông Lân kể, năm 1965, trước tình thế cấp bách của chiến trường miền Nam, ông lên đường hành quân vào miền Nam tham gia chiến đấu. 10 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam
(1965-1975), ông đã từng tham gia 4 chiến dịch lớn (gồm: Chiến dịch Nguyễn Huệ, Chiến dịch Nam Tây Nguyên, Chiến dịch Phước Long và Chiến dịch Hồ Chí Minh). Ông còn nhớ, sau khi giải phóng Phước Long, Trung đoàn Đặc công 429 (nay là Lữ đoàn Đặc công 429, đóng chân tại H.Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) nhận nhiệm vụ hành quân về Sài Gòn chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

5 giờ chiều 26-4, quân ta nổ súng, bắt đầu cuộc tiến công lớn vào Sài Gòn. Đơn vị của ông khi ấy có nhiệm vụ đánh chiếm cầu Nhị Thiên Đường, Chi khu Cảnh sát Q.8. Với vai trò Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 429, ông đã tham gia chỉ huy đánh chiếm được cầu Nhị Thiên Đường, tiêu diệt Chi khu Cảnh sát Q.8 và cùng với lực lượng tại địa phương giải phóng Q.8, góp sức cùng với các lực lượng làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đêm đầu tiên ngày miền Nam giải phóng, ông cũng như bao người dân Việt Nam đã không ngủ được…

Với vai trò là Chính trị viên phó Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), ông Nguyễn Nhớ (hiện ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) có cơ hội tham gia giải phóng Xuân Lộc, tiến về Sài Gòn theo hướng quốc lộ 1A. Đường hành quân dài, lại gặp nhiều trở ngại nên phải đến 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, đơn vị của ông mới đến Dinh Độc Lập. Ông Nhớ chia sẻ, dọc đường hành quân, ông cũng như đồng đội của mình đã nghe được thông tin chiến thắng nhưng chỉ khi đến Dinh Độc Lập, tận mắt nhìn thấy cờ chiến thắng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cắm trên nóc Dinh Độc Lập, ông mới biết đó không phải là mơ. Sài Gòn ngày 30-4 vui như hội. Phần lớn người dân Sài Gòn đều xuống đường để tận hưởng bầu không khí phấn khởi của ngày giải phóng và đâu đâu cũng vang lên bài hát Nối vòng tay lớn…

Thời điểm này, đơn vị của ông Vũ Đức Ninh (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) là Trung đoàn Đặc công 113 có nhiệm vụ giữ vững các cây cầu nối giữa tỉnh Biên Hòa và Sài Gòn nhằm đảm bảo cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn nên ông có cơ hội chứng kiến không khí ngày 30-4 tại tỉnh Biên Hòa.

Theo đó, từ sáng sớm ngày 30-4-1975, lực lượng cách mạng cũng đã nổi dậy cướp chính quyền và chỉ tới khoảng 10 giờ sáng, quân giải phóng đã chiếm giữ Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa. Biết tin này, nhiều người dân vẫn chưa tin miền Nam giải phóng, cho đến khi nghe thông tin Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì ngay lập tức, người dân rủ nhau xuống đường ăn mừng chiến thắng.

Bà Nguyễn Thị Kiếm, hiện ở xã Xuân Thọ (H.Xuân Lộc) khi ấy còn đang bị giam cầm ở Nhà tù Côn Đảo nên chứng kiến trọn vẹn giây phút sung sướng của những người tù trong ngày giải phóng. Bà Kiếm cho biết, với những chiến sĩ bị địch bắt tù đày, ngày 30-4-1975 như một bước ngoặt giúp họ thoát khỏi cảnh tù đày, trở thành người tự do. Vì vậy, khi nghe thông tin quân ta chiến thắng, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đầu hàng quân giải phóng, tất cả tù chính trị tại Côn Đảo ai nấy đều vui mừng giống như những cánh chim bị giam cầm nay được sổ lồng bay giữa bầu trời tự do. Anh em tù chính trị vận động binh lính đầu hàng, thu gom vũ khí, thành lập các ban để tiếp quản và điều hành nhiệm vụ cho đến ngày trở về đất liền.

* Trân trọng giá trị của hòa bình

Khát vọng hòa bình luôn là lý tưởng cao đẹp mà loài người hướng đến. Với những người đã từng vào sinh ra tử, chịu đựng những đau thương, mất mát của chiến tranh lại càng cảm nhận rõ nét giá trị của hòa bình.

Tượng đài Chiến thắng Long Khánh là công trình tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp cách mạng của đất nước
Tượng đài Chiến thắng Long Khánh là công trình tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp cách mạng của đất nước. Ảnh:M.Hảo
Tượng đài Chiến thắng Long Khánh là công trình tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp cách mạng của đất nước. Ảnh:M.Hảo

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lân trong câu chuyện kể về quá trình tham gia chiến đấu của mình đã không dưới một lần thốt lên câu: “Đau và xót xa lắm khi đồng đội của mình đang ở lứa tuổi sung sức phải dừng lại cuộc hành trình, nằm lại chiến trường”.

Ông Lân kể, năm 1965, ông và những đồng đội từ Hà Nội hành quân vào Nam chiến đấu. Đoạn từ Hà Nội vào tới Thanh Hóa, các ông được đi xe của Đoàn văn công thuộc Tổng cục Chính trị. Nhưng đoạn đường từ Thanh Hóa vào Nam, ông cùng đồng đội phải đi bộ, vượt sông, vượt rừng Trường Sơn. Quá trình hành quân vô cùng gian khổ, cơm không có ăn, chủ yếu sống nhờ măng rừng, lá cây, có nhiều trường hợp chết vì đói, vì sốt rét, thương hàn… Từ những gian khổ trong quá trình hành quân, ông Lân đã viết nên những câu thơ: “Vượt Trường Sơn biết mấy gian nan/ Lá rừng cùng với măng vàng thay cơm/ Bao đồng đội chết vì đói, rét/ Không có hương hoa, cũng chẳng có quan tài/ Chiếc võng gập lại làm hai/ Tấm tăng cuộn lại thi hài nằm trong/ Chôn anh trong lúc hành quân/ Làm sao thỏa được lòng mình anh ơi!…”.

Ngày 30-4-1975 trong ký ức của ông Vũ Đức Ninh không chỉ là niềm vui chiến thắng mà còn có cả những ký ức buồn khi ngày giải phóng cận kề vẫn còn phải chứng kiến những đồng đội của mình ngã xuống. Ông Ninh cho biết, ông là chiến sĩ Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 113. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 113 đảm nhận nhiệm vụ giữ các cây cầu để quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trong đó, Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174 được giao nhiệm vụ chiếm đóng cầu Ghềnh, cầu Hóa An. Khoảng 4-5 giờ sáng 27-4-1975, trận chiến đấu bắt đầu và chỉ trong vòng 30 phút, Tiểu đoàn 23 đã chiếm được cầu Ghềnh. Tuy nhiên đến khoảng 8 giờ, địch đã tăng cường lực lượng đánh trả hòng chiếm lại cầu. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, pháo của địch từ Thủ Đức bắn lên, từ Châu Thới bắn sang, từ Long Bình xả tới…

Với quyết tâm phải bảo vệ được cầu, các chiến sĩ Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174 đã chiến đấu ngoan cường chống lại các đợt phản kích của địch. Đến trưa 29-4, quân ta tiến vào, địch đã rút chạy. Sau trận đánh chiếm đóng cầu Ghềnh và cầu Hóa An, rất nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống, thậm chí sáng 30-4 vẫn có người bị địch bắn lén và hy sinh.

Không tham gia chiến đấu trên chiến trường, những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã coi nhà tù là mặt trận chiến đấu góp phần vào thắng lợi của mùa Xuân năm 1975. Bà Nguyễn Thị Kiếm cho hay, bị bắt giam tại các nhà tù và nếm trải đủ các hình thức tra tấn, đàn áp nhưng những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản. Thậm chí, còn tổ chức đấu tranh chống lại các chính sách mà địch thi hành trong các nhà tù. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy cũng có không ít chiến sĩ đã hy sinh.

Mỗi lần nhắc đến những đồng chí, đồng đội đã từng vào sinh ra tử trong tù, những đồng đội đã hy sinh, bà Kiếm không kìm được nước mắt. Đã 46 năm non sông thu về một mối, đất nước liền một dải nhưng nỗi đau mà chiến tranh để lại vẫn còn, hàng triệu người Việt Nam đã nằm lại khắp mọi miền của Tổ quốc. Cái giá mà dân tộc Việt Nam phải trả cho 2 chữ hòa bình không hề nhỏ. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam hôm nay cần phải hiểu, trân trọng và gìn giữ thành quả cách mạng, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Nga Sơn - baodongnai.com.vn

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang