Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác của CSGT để phục vụ người dân
Tăng cường và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT); kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nâng cao hiệu quả các mặt công tác của lực lượng CSGT nhằm hướng tới phục vụ nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm thời gian, biên chế của lực lượng CSGT là mục tiêu trước mắt và lâu dài của lực lượng CSGT để phục vụ tốt nhất cho người dân.
Ngồi nhà đăng ký xe, xử phạt hành chính

Mua chiếc xe ô tô mới nhưng bận nên chưa đi đăng ký được, anh Nguyễn Tiến Hải ở Đống Đa, Hà Nội đọc trên báo nên biết được không cần phải đến cơ quan thuế để nộp mà chỉ cần nộp qua mạng, cũng không phải xếp hàng chờ lâu mà kê khai đăng ký qua mạng. Ngồi làm việc ở công ty, anh Hải dành hơn 5 phút để vào mạng thực hiện các thao tác trên. Sau khi nhập xong, anh được Phòng CSGT- Công an TP Hà Nội hẹn ngày, giờ mang xe đến để CSGT kiểm tra và bấm biển.

Đúng hẹn, anh Hải đến trụ sở CSGT bấm biển, giấy đăng ký xe cũng được trả tại địa chỉ do mình lựa chọn. Như vậy, không phải đợi chờ, không phải đi lại nhiều lần mà vẫn đăng ký được xe, anh Hải rất hài lòng vì vừa tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại, đỡ tham gia giao thông nhiều mà vẫn đạt được mục đích công việc. Anh Hải cho biết: “Tôi ủng hộ CSGT cải cách hành chính, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác, tạo điều kiện cho người dân chúng tôi”.

Anh Hoàng Văn Minh ở Nghi Lộc, Nghệ An, vi phạm tốc độ trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai cho biết: “Tôi lên Lào Cai chơi, do vội, đi quá tốc độ nên bị phạt nguội. Khi đi đăng kiểm, tôi mới biết mình bị phạt nguội. Gọi điện hỏi, tôi được hướng dẫn nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia nên tôi thấy rất thuận lợi, không phải đi lại nhiều lần, GPLX của tôi bị tước cũng được gửi qua đường bưu điện”.

Tại Trung tâm chỉ huy Cục CSGT, các cán bộ chức năng cho chúng tôi xem tình hình tham gia giao thông trên 14 tuyến cao tốc và QL1A mà lực lượng CSGT đã triển khai hệ thống giám sát. Mặc dù thời tiết ở miền Trung, đoạn qua Hà Tĩnh đang có mưa, trời khá mù nhưng camera giám sát vẫn quay rất rõ nét BKS của các phương tiện đang lưu thông trên đường. Tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù buổi trưa nhưng tại một số tuyến đường vẫn có hiện tượng ùn ứ. “Từ dữ liệu camera, nếu phát hiện ùn tắc hoặc khó khăn cho người dân tham gia giao thông, chúng tôi sẽ điều lực lượng chức năng đến hướng dẫn, phân luồng” – cán bộ kỹ thuật cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, Phó Chủ chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, Phó Chủ chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu


chỉ đạo tại buổi làm việc với Cục Cảnh sát giao thông (ngày 23/3/2022).
Từ dữ liệu do camera ghi lại, lực lượng chức năng cũng đã xác định nguyên nhân nhiều vụ TNGT, đặc biệt là các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trong đêm tối, không có người chứng kiến. Vụ TNGT ở Bình Thuận là điển hình. Nạn nhân bị xe container kéo đi rất xa. Bình thường sẽ nghĩ là sau khi gây tai nạn lái xe bỏ chạy, nhưng qua camera lực lượng chức năng đã xác định, nạn nhân đi vào điểm mù nên lái xe không biết đã cán chết người.

Tại các đội TTKS giao thông của Cục CSGT và Công an các tỉnh, thành phố đã được trang bị hệ thống giám sát như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận… các cán bộ trích xuất dữ liệu vi phạm, gửi cho chủ phương tiện để thực hiện công tác xử phạt. Thông qua hệ thống giám sát, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng trăm nghìn vi phạm; Kho bạc Nhà nước thu hàng trăm tỷ đồng tiền phạt. Đặc biệt, trong năm 2021, qua hệ thống giám sát, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 255 vụ, bắt giữ 279 đối tượng phạm tội như: gây tai nạn giao thông bỏ trốn; trộm cắp tài sản; vận chuyển hàng lậu, hàng cấm…

Được biết, công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong công tác của CSGT luôn được lãnh đạo Bộ Công an quan tâm, đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người. Theo đó, các ứng dụng KHKT trên các lĩnh vực như: công tác đăng ký quản lý phương tiện, xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu ATGT, nộp phạt qua dịch vụ công trực tuyến. Trong đó đáng chú ý là đề án “Đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm giao thông”…

Trong công tác TTKS, xử lý vi phạm, thay vì lập chốt như hiện nay, lực lượng CSGT sẽ hướng tới xử phạt qua camera và chỉ tuần lưu, giải quyết các tình huống đột xuất như tai nạn, ùn tắc giao thông. Đồng thời, thể hiện sự hiệu quả khi ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT được áp dụng trong thực tiễn.

Hiện đại hóa công tác CSGT phục vụ người dân

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, các nội dung hiện đại của CSGT gồm kỹ thuật hiện đại, tư duy hiện đại, cơ sở pháp lý đáp ứng các điều kiện về hậu cần, tiềm lực kỹ thuật hiện đại. Theo đó, phải có hệ thống trang thiết bị hiện đại để chỉ huy điều hành giao thông, giám sát phát hiện các vi phạm trên các tuyến giao thông và xử lý các vi phạm đó đảm bảo. Trong mọi điều kiện hoàn cảnh kỹ thuật có thể làm thay con người; đảm bảo chính xác, khách quan; làm sao để người dân tiếp nhận thông tin, đồng thuận, chấp hành quyết định xử phạt.

Về quản lý Nhà nước về ANTT, cơ quan CSGT cung cấp các dịch vụ cho người dân đảm bảo nhanh chóng hiện đại, thuận tiện, giảm thiểu chi phí không cần thiết, tránh phải đi lại để làm thủ tục. Bên cạnh đó, phải hiện đại thông tin liên lạc xuyên suốt của lực lượng CSGT từ bộ đến cơ sở và từng CBCS để phục vụ người dân và đảm bảo ANTT. Khi người dân có nhu cầu thì cơ quan CSGT phục vụ tốt nhất.

“Để đạt mục tiêu hiện đại công tác của CSGT còn phải có cơ sở dữ liệu liên ngành để phục vụ hoạt động nghiệp vụ, dữ liệu này phải liên thông, dữ liệu đầu vào đầu ra đầy đủ, an toàn. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ để xác định nguyên nhân, điều kiện dẫn đến TNGT. Việc này vừa giải quyết nhanh các vụ TNGT khách quan, chính xác, tìm quy luật, yếu tố kỹ thuật”. – Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.
CSGT sẽ chỉ làm việc trực tiếp khi kiểm tra nồng độ cồn, ma túy của lái xe.
CSGT sẽ chỉ làm việc trực tiếp khi kiểm tra nồng độ cồn, ma túy của lái xe.

Trên cơ sở đó, lực lượng CSGT đã triển khai các nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an. Cụ thể, đã xây dựng trung tâm Chỉ huy giám sát điều hành có trang thiết bị, hệ thống camera, hệ thống cảm biến để đo, đếm lưu lượng phương tiện phục vụ điều hành dòng chảy giao thông cho tốt nhất. Trang thiết bị kỹ thuật để chỉ huy điều hành chống ùn tắc; camera phát hiện vi phạm và gửi các vi phạm đó nhanh nhất đến chủ xe và người vi phạm “Trừ các hành vi buộc phải dừng xe để kiểm tra như: kiểm tra nồng độ cồn, ma tuý… thì CSGT mới phải dừng xe để trực tiếp dừng xe. Các hành vi không gây nguy hiểm thì xử lý qua dữ liệu điện tử, không cần phải dừng phương tiện” – Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đang hoàn thiện cổng giao tiếp với mục đích chia sẻ, cung cấp thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân nhanh nhất, hạn chế thấp nhất, tiến tới dịch vụ công cấp độ 4 để người dân không cần gặp trực tiếp CSGT để thực hiện các thủ tục hành chính. Lực lượng chức năng đang tiếp tục hoàn thiện trung tâm chỉ huy giao thông của Bộ (đặt tại Cục CSGT) kết nối đến trung tâm chỉ huy của tất cả các địa phương và từng CBCS để điều hành, giám sát.

Theo đó, CSGT khi làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường đều phải đeo camera giám sát trước ngực. Việc gắn camera trước ngực giúp lực lượng CSGT có thể ghi hình chính xác các trường hợp vi phạm, hạn chế người vi phạm không thừa nhận hoặc lẩn trốn khi bị phát hiện, góp phần giảm bớt các trường hợp vi phạm nhưng chống đối CSGT. Đồng thời, camera này cũng nhằm theo dõi, giám sát và xác định được trách nhiệm của lực lượng CSGT khi thi hành công vụ một cách minh bạch nhất, từ đó, tăng cường quản lý cán bộ; chỉ đạo xử lý các vấn đề xảy ra như ùn tắc, TNGT.

Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, Chính phủ, Bộ Công an về công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình mới. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo TTATGT trong nắm tình hình, dự báo từ sớm, từ xa để tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công an về công tác đảm bảo TTATGT.

Đặc biệt, tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại trong công tác đảm bảo TTATGT; kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nâng cao hiệu quả các mặt công tác của lực lượng CSGT nhằm hướng tới phục vụ nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm thời gian, biên chế của lực lượng CSGT.
Phương Thuỷ - cand.com.vn

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang