Thứ 6 - 26/02/2016
​Công an nhân dân "Vì nước quên thân vì dân phục vụ " - "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - "Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".
Phòng ngừa sự cố, tai nạn điện mùa mưa bão
Hiện tại, miền Nam đang bước vào mùa mưa bão, tỉnh Đồng Nai trong những ngày gần đây thường xuyên có nhiều trận mưa to kèm theo gió lớn và gây ra ngập lụt. Trong mùa mưa bão, lũ, người dân phải đối diện với rất nhiều nguy cơ và tiềm ẩn các tai nạn rủi ro trong đó có tai nạn sự cố về điện. Nếu chủ quan, không biết các kỹ năng phòng tránh thì rất có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Khi bão kèm theo gió lớn, mưa to có thể gây ngập lụt, cây cối, cột điện gãy đổ và nguy cơ điện giật là rất lớn. Nguyên nhân dẫn đến điện giật từ những ảnh hưởng của mưa bão là:
+ Trong vùng ngập, lụt có đường dây điện sát với mặt nước rất dễ bị phóng điện gây tai nạn.
+ Cây cối bị quật đổ, gãy có thể làm đứt dây điện gây nguy hiểm khi đến gần.
+ Trụ điện ngã đổ hoặc dây điện đứt, rơi xuống đường dễ bị rò điện.
 
 

+ Đồng thời khi có mưa bão lớn, tính năng cách điện của thiết bị điện bị giảm do độ ẩm cao, điện trở của cơ thể người giảm do tay ướt, mồ hôi, nền đất ướt nên nguy cơ bị điện giật rất cao.
+ Mưa bão lớn kèm sấm sét làm cho bộ phận tích điện (thiết bị điện và dây điện…) bị hở.
+ Khi làm việc với thiết bị điện, dây nối đất, thùng cầu dao…tại nơi ẩm ướt, trời mưa bão rất có nguy cơ bị điện giật do rò điện.
+ Trong mùa mưa bão thường kèm theo sấm chớp, có một số tai nạn do sét đánh trúng.
Để chủ động phòng ngừa sự cố, tai nạn điện trong mùa mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo người dân cần thực hiện một số biện pháp sau:
Một là, Công tác chuẩn bị: Kiểm tra, sửa chữa hư hỏng của hệ thống cung cấp điện do gia đình quản lý. Không để điện rò rỉ ra lên mái tôn, nhà cửa, cây cối, hàng rào…Phối hợp với đơn vị quản lý điện để chặt, tỉa cây trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện và những cây có khả năng đổ vào kết cấu công trình điện. Không lắp đặt thiết bị điện tại nơi có nguy cơ ngập nước hoặc ẩm ướt; trong nhà phải lắp đặt các thiết bị đóng, cắt chống dòng rò chất lượng cao.
 
 


Hai là, những điều cần thực hiện:
Sử dụng điện an toàn, đúng quy định, không dùng điện để bắt cá, bẫy chim chuột, chống trộm…
Không bắn súng, pháo hoa vào công trình điện. Không tháo gỡ, kết cấu công trình điện. Không leo lên cột điện, vượt qua hàng rào trạm điện.
Không họp chợ, bán hàng, tụ tập, để các vật dụng… gần hoặc lợi dụng bất kỳ bộ phận nào của công trình điện vào việc khác.
Không xây dựng nhà ở, công trình, giàn giáo, hộp đèn, biển quảng cáo… trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và dựng các kết cấu tại nơi mà khi ngã đổ có thể va quẹt vào công trình điện.
Ba là, trường hợp mưa to, gió lớn phải lưu ý, đề phòng:
Không trú tránh dưới cột điện, gần công trình điện khi trời mưa, giông sét, không chạm vào dây chằng, dây nối đất, thùng công tơ, kết cấu khác…;
Khi phát hiện: Dây điện đứt, cây ngã đổ vào đường dây, trạm điện, móng cột sạt lở, bị đổ phóng điện… thì không cho người, vật nuôi lại gần và báo ngay cho đơn vị quản lý điện hoặc chính quyền, công an địa phương;
Cắt cầu dao điện, aptomat tổng trong nhà khi bị mưa ngập các tủ, ổ điện để tránh rò điện dẫn tới tai nạn…
Không di chuyển, đi lại bằng thuyền, bè… trong vùng ngập lụt có đường dây điện sát với mặt nước. Không buộc gia súc và thuyền bè vào cột điện. Không mang vác, lắp dựng vật dụng, công trình, vật kiến trúc gần đường dây, trạm điện để tránh nguy cơ phóng điện;
Không sửa chữa điện khi đang mưa, bão; không leo lên mái nhà, sân thượng và nơi có nguy cơ bị rò điện, gần đường dây điện đi qua;
Thực hiện đầy đủ biện pháp an toàn để phòng, chống tai nạn. Chỉ đóng điện khi đã loại trừ toàn bộ hư hỏng, các hiện tượng mất an toàn.
 
 

Cách xử lý và sơ cấp cứu ban đầu khi gặp sự cố tai nạn về điện:
Nếu gặp nạn nhân bị điện giật cần xử trí như sau: Nhanh chóng cắt cầu dao điện. Dùng gậy gỗ khô, ván gỗ, cây nhựa... tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng mát. Đối với nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu thở: Tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ cho đến khi tự thở được hoặc xác định nạn nhân chắc chắn đã chết thì mới dừng lại. Đối với nạn nhân còn tỉnh táo: Kiểm tra mức độ tổn thương ở các vị trí nặng hay nhẹ. Đặc biệt, kiểm tra tổn thương nguy hiểm trước như ở đốt sống cổ, bởi những tổn thương này có thể gây liệt nếu không sơ cấp cứu kịp thời, sau đó tiến hành kiểm tra các bộ phận còn lại. Động viên, an ủi để nạn nhân yên tâm và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi điện thoại cấp cứu 115.
Xử lý sét đánh tại nhà hoặc hiện trường: Cần đặt nạn nhân nằm lên chỗ khô ráo, bằng phẳng, nới rộng quần áo để người bị nạn thở được dễ dàng. Khẩn trương tiến hành hô hấp nhân tạo. Nếu phát hiện nạn nhân bị gãy xương, cần cố định xương chắc chắn trước khi di chuyển. Đặc biệt cẩn thận, không di dời nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống. Đối với những vị trí bỏng khô, phải để yên, không sờ mó, không bôi các loại lá, mỡ theo kinh nghiệm dân gian lên vết bỏng. Sau khi đã thực hiện sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi điện thoại cấp cứu 115 để cấp cứu kịp thời.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH lưu ý người dân sử dụng điện hãy cẩn trọng và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn điện, giảm tối đa ảnh hưởng từ mưa bão, ngập lụt, thiên tai, để bảo vệ người và tài sản. Khi có sự cố về điện, hãy gọi điện theo các số điện thoại: 114 hoặc 115 và các cơ quan quản lý điện gần nhất.
Hữu Nam

công an TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 161, Phạm Văn Thuận, Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.

Điện thoại: 0251 8820999​

Email:  congan@dongnai.gov.vn

Website: congan.dongnai.gov.vn​
® Ghi rõ nguồn "congan.dongnai.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.​​


Chung nhan Tin Nhiem Mang